TIN LIÊN QUAN | |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về học “lễ” và học “văn” | |
Giá trị đích thực của tấm bằng… |
Mấy năm trở lại đây, đường phố càng nổi bật hơn với màu áo xanh của xe ôm công nghệ. (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet) |
Cả nơi tôi làm việc và nơi gia đình sinh sống đều gần các trường đại học lớn, dân cư tập trung rất đông. Vì vậy, không biết từ khi nào, tôi có một thói quen là quan sát những dòng người tấp nập qua lại. Khối câu chuyện hay về nhân tình thế thái đã hiện ra trong trạng thái vội vàng đông đúc ấy.
Mấy năm trở lại đây, đường phố càng nổi bật hơn với màu áo xanh của những "xe ôm công nghệ". Phần đông là những chàng trai ở độ tuổi 20-30, trong số đó không ít bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học và cao học. Những thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư xe ôm công nghệ phổ biến đến mức ai ra ngõ cũng gặp.
Một đồng nghiệp của tôi, chị Trần Thanh Liên, tốt nghiệp TS. Kinh tế tại Nhật Bản cứ xót xa, bảo nhìn những gương mặt tuổi 20 mà “sốt hết cả ruột”. Có lần chị than: “Em tin được không, có mấy đứa chị biết còn khoe rằng công việc lái xe ôm khiến cho chúng nó tạm thời quên sách vở, đầu chả phải nghĩ gì, mở mắt ra là có tiền bỏ túi. Tính ra cả tháng cũng vài chục (triệu)”.
Chưa bao giờ một công việc phổ thông chân tay lại có một lực lượng lao động có trình độ học vấn cao như vậy, chưa nói đến khả năng chuyên môn. Nhà nghiên cứu xã hội học, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam kể có lần đi xe ôm công nghệ, gặp cậu lái xe vừa tốt nghiệp Đại học Giao thông. Cậu ấy bảo: “Học Đại học Giao thông thì chạy Grab, làm vận tải, là phải, bác nhỉ?”.
Nhà xã hội học nghe rồi, không biết nói sao, cũng đành: “Kiếm được 7,8 triệu mỗi tháng, tiền tươi mỗi ngày, vậy là gấp đôi lương một tiến sỹ mới ra lò ở viện nghiên cứu hàn lâm cơ đấy!".
Con số thu nhập hàng tháng từ chục đến vài chục triệu thật hấp dẫn với sinh viên mới ra trường. Không biết có mối liên hệ gì với số liệu thống kê gần đây trên truyền thông về tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên có xu hướng giảm (từ quý I/2018 đến quý I/2019, giảm từ 215.000 xuống còn 124.500), nhưng tôi đã làm khảo sát cá nhân: Cứ 10 chuyến xe công nghệ tôi đi, thì có 9 chuyến tài xế là sinh viên đã hoặc đang học đại học.
Tôi cũng đã cố tìm nhưng không thấy các nguồn công bố dữ liệu nào chỉ rõ việc có (hay không có) tính số cử nhân, thạc sĩ đi làm xe ôm công nghệ trong số những tân cử nhân, thạc sĩ “không thất nghiệp” không.
Tránh được tình trạng không có việc làm, lại tiền tươi thóc thật, mà còn cao hơn mức trung bình của lao động trong nhiều doanh nghiệp, cơ quan tại thời điểm hiện nay, là sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các bạn trẻ.
“Liệu các bạn ấy có biết sau một, hai năm cái đầu nghỉ ngơi, không nghĩ gì ấy sẽ dẫn đến một tương lai cũng không biết nghĩ gì không?”, TS. Trần Thanh Liên mỗi lần đi cùng tôi trên phố là réo rắt cái điệp khúc quen thuộc của chị “sốt hết cả ruột với tình trạng cơ cấu việc toàn màu xanh xe ôm công nghệ thế này!”.
Viễn tưởng đó dễ thấy lắm. Với tốc độ phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay, xu thế và kỹ năng việc làm sẽ luôn cần thay đổi. Công nghệ cần cập nhật, kỹ năng cần đổi mới. Một anh quản đốc nếu trước kia quản lý công nhân may, thì trong vài năm nữa thôi sẽ bị thay thế bằng một anh quản đốc quản lý công nhân may toàn là người máy nếu không học những kỹ năng quản lý công nghệ mới.
Thế nhưng, thu nhập trước mắt ở mức chấp nhận được đã khiến nhiều sinh viên quên mất việc định hướng một tương lai cho mình. Càng ngày, cá nhân càng lún sâu vào cái bẫy của mức thu nhập trung bình. Rộng ra, nếu “màu áo xanh” càng trở nên phổ biến, sẽ dẫn đến một bộ phận lớn rơi vào bẫy, mà rộng hơn là cả nền kinh tế và đất nước.
Theo tờ The Economist (Anh), bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giẫm chân tại mức thu nhập ấy, mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.
Bài học trên thế giới cho thấy, tất cả các quốc gia đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960 vẫn có thu nhập trung bình vào năm 2008, trong số đó chỉ có 13 quốc gia là thoát được bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia có thu nhập cao. Tại châu Á, chỉ có năm nước và vùng lãnh thổ thoát được bẫy, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước một viễn cảnh “màu áo xanh” như chúng ta thấy, mà nguy cơ của nó như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) đã nhấn mạnh: "Bẫy thu nhập trung bình chính là cái đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam”.
| Giấc mơ quốc tế hóa giáo dục ở Việt Nam Đây là tâm huyết của PGS. TS. Trần Thị Lý hiện đang làm việc tại Khoa Giáo Dục, Đại học Deakin (Australia), đồng thời là ... |
| Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách? Bày tỏ quan điểm về xử phạt hành chính đối với giáo viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực ... |
| Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay Bằng kinh nghiệm của mình, Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, bệnh thành ... |