Từ vụ bé gái bị xâm hại, có thể thấy, gia đình và nhà trường không thể lơ là. |
Một bé gái 5 tuổi ở TP. Bà Rịa vừa bị giết hại và xâm hại tình dục đầy phẫn nộ. Bé gái khác mới 2 tuổi ở Bình Thuận bị "yêu râu xanh" hiếp dâm. Những nốt lặng đáng buồn ấy hiển hiện sau ngày dài tiếng chuông cảnh báo bảo vệ trẻ em gióng lên inh ỏi nên càng xót xa và day dứt.
Nhiều tấm lưới bị "thủng"
Gia đình và nhà trường là hai cái nôi bảo vệ trẻ những tưởng là an toàn tuyệt đối, tiếc rằng thực trạng lại tréo ngoe khi trong nhiều vụ việc, thủ phạm xâm hại trẻ lại chính là người thân và người làm công tác giáo dục.
Nhiều gia đình hiện nay vẫn chăm chăm "vỗ béo" cho trẻ bằng vô số thực phẩm dinh dưỡng cùng kế sách bồi dưỡng học vấn chuẩn này chuẩn kia. Nhưng cha mẹ các con lại vô tình lãng quên mất việc phải dạy trẻ biết trân quý cơ thể mình và bạn, biết giới hạn cần thiết của hành động yêu thương, biết đề phòng và thoát nạn trong những tình huống nhạy cảm…
Nhà trường đang dạy học sinh phải "biết tuốt" nhiều tri thức của tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng những kiến thức phổ thông đôi khi lại bị ngó lơ với lời mặc định "thế nào rồi nó cũng biết". Vậy nên, có bọn trẻ học lớp 8 vẫn ngây ngô hỏi "có phải con sinh ra từ rốn" hay bọn trẻ lớp 12 vụng về thắc mắc "sờ vào lửa có bị giật như điện?".
Không ít lần dư luận đặt ra câu hỏi về hiệu quả hoạt động của hàng loạt cơ quan, tổ chức gắn liền với trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Hệ thống pháp luật của nước ta quy định hiện nay mỗi đứa trẻ có đến 17 cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ địa phương đến trung ương bảo vệ. Nhưng rõ ràng là con trẻ và gia đình vẫn "tự xoay" là chính trong các cuộc vật lộn với nạn xâm hại trẻ em.
Cần một giải pháp đồng bộ
Chúng ta đã thành lập đường dây nóng 111 nhằm tiếp nhận thông tin về việc trẻ em bị xâm hại, bóc lột và bạo hành. Gần 80% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.
Điều này minh chứng rõ nhất cho việc thay đổi nhận thức của xã hội về nạn xâm hại trẻ em và yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ trẻ bằng mọi giá trước diễn biến ngày càng phức tạp của loại tội phạm này.
Tuy nhiên, câu hỏi cũ lại được đặt ra là: 17 cơ quan, tổ chức, đoàn thể bảo vệ trẻ em đã hoạt động thế nào, hiệu quả ra sao trong công tác tư vấn, phòng ngừa xâm hại trẻ? Và vai trò trách nhiệm 17 "địa chỉ" này mỗi khi xảy ra một vụ bạo hành, xâm hại trẻ sao mờ nhạt quá?
Phải chăng đã đến lúc 17 đơn vị có trách nhiệm bảo vệ trẻ em này cần được thay thế bằng một lực lượng chuyên trách đảm nhận việc xử lý các vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em?
Và đây cũng là kiến nghị của UBND TP. Hồ Chí Minh lên Bộ Tư pháp hồi cuối tháng 10 về việc thành lập lực lượng cảnh sát chuyên về bảo vệ trẻ em trước thực trạng tội phạm xâm hại tình dục diễn biến ngày càng phức tạp, tàn nhẫn.
Một đầu mối đủ cơ sở pháp lý và năng lực chuyên môn thực hiện việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc phân bố dàn trải trách nhiệm ở nhiều cơ quan, tổ chức như hiện nay.
Và tất nhiên, trong cuộc chiến chống xâm hại trẻ em, gia đình và nhà trường không thể lơ là. Bất kỳ sự chủ quan nào cũng có thể tạo cơ hội cho "yêu râu xanh" có cơ hội bộc lộ bản chất thú tính và man rợ của mình. Xin đừng bỏ quên sự an toàn của con trẻ…
Con trẻ là nguồn sáng của mẹ cha, là điểm tựa của mỗi gia đình và là rường cột của nước nhà. Vậy mà liên tiếp các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra khiến lòng người nhói đau và nghèn nghẹn.