Mục đích của chương trình là giới thiệu sâu hơn, rộng hơn cho các doanh nghiệp Hungary về đất nước Việt Nam. |
Xin bà cho biết về ý tưởng tổ chức Tối Việt Nam?
Bà Phan Bích Thiện: Là thành viên của Diễn đàn Doanh nghiệp Hungary nên khi tiếp xúc với các doanh nghiệp tại đây, tôi thấy họ biết rất ít thông tin về Việt Nam ngày hôm nay. Họ không biết tới những khu du lịch, nghỉ dưỡng tuyệt vời của Việt Nam, không hề nghĩ Việt Nam có thể là một cơ hội tốt để phát triển kinh doanh. Vì vậy, tôi đã nảy ra ý tưởng kết hợp với Diễn đàn Doanh nghiệp Hungary tổ chức chương trình Tối Việt Nam. Mục đích của chương trình là giới thiệu sâu hơn, rộng hơn cho các doanh nghiệp Hungary về đất nước Việt Nam, về các khả năng hợp tác cũng như đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.
Chúng tôi đã gửi giấy mời tới các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác với Việt Nam như du lịch, giáo dục- đào tạo, thiết bị y tế, dược phẩm, sản xuất rượu vang, nhập khẩu hàng tiêu dùng... Chúng tôi dự tính chỉ có khoảng 50 – 60 doanh nghiệp sẽ tham dự, nhưng con số đăng ký lên tới gần 100 doanh nghiệp. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hungary Ngô Duy Ngọ cũng ngạc nhiên khi biết con số này và ông rất ủng hộ chương trình. Trong lời phát biểu khai mạc Chương trình, Đại sứ đã khẳng định sự hỗ trợ của ĐSQ Việt Nam đối với tất cả các doanh nghiệp Hungary có nhu cầu hợp tác với Việt Nam.
Tối Việt Nam còn có sự tham dự của Chủ tịch Ủy Ban Đoàn kết dân tộc Quốc Hội Hungary Potápi Árpád, người từng tới Việt Nam 3 lần (lần đầu vào năm 1989 và lần mới đây nhất là tháng 1/2013 - trong chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn Chính phủ Hungary). Những cảm tưởng, nhận xét của ông Potápi Árpád đã phác thảo nên bức tranh sinh động về một Việt Nam đổi mới, phát triển, phong phú và hấp dẫn ngày hôm nay đối với các doanh nghiệp Hungary. Qua lời phát biểu của ông, tôi nhận thấy, Việt Nam có những điểm mạnh mà người Việt không để ý nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người Hungary.
Bà có thể chia sẻ cụ thể về công tác tổ chức Chương trình này?
Lâu đài Fried đã được chọn làm địa điểm tổ chức Tối Việt Nam vì nhiều lý do: Thứ nhất, đây là lâu đài nổi tiếng ở Hungary do người Việt điều hành. Thứ hai, Lâu đài Fried được coi như là "một góc Việt Nam" tại Hungary với trang trí nội thất đậm nét Việt Nam và thông qua đó, các doanh nghiệp Hungary được tiếp cận với các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam, văn hóa Việt Nam...
Khi bắt tay vào chuẩn bị cho chương trình, chúng tôi muốn làm sao phải cung cấp được nhiều thông tin mới nhất về Việt Nam ngày hôm nay tới khách tham dự, đặc biệt là tiềm năng du lịch. Tôi được Tổng cục Du lịch Việt Nam cung cấp bộ phim Việt Nam Vẻ đẹp bất tận, trong đó giới thiệu về đất nước, con người, những danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa, ẩm thực cũng như các hình thái du lịch ở Việt Nam. Bộ phim được xây dựng rất hợp lý, phong phú và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tất cả khách mời.
Ngoài những điểm nêu trên một khâu không kém phần quan trọng là giới thiệu ẩm thực. Vì đây là chương trình quảng bá về Việt Nam nên Ban Tổ chức muốn các khách tham dự sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt nam như phở, nem, miến, nộm... Vì nắm được khẩu vị của người Hung nên chúng tôi đã lựa chọn những món ăn Việt Nam hợp khẩu vị của họ. Chúng ta cần hiểu rằng không phải món ăn nào của Việt Nam cũng sẽ được người châu Âu yêu thích. Tất cả các khách tham dự đều rất hài lòng và khen ngợi ẩm thực Việt Nam. Nhiều người còn hỏi thực đơn của Khách sạn có các món đó không để họ quay lại thưởng thức vào những dịp khác.
Ngoài chương trình trên, Quỹ vì quan hệ Hungary-Việt Nam có những đóng góp nào khác trong vai trò là nhịp cầu kết nối hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Hungary, thưa bà?
Quỹ vì quan hệ Hungary-Việt Nam hoạt động với tiêu chí phục vụ cho các hoạt động nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Quỹ hỗ trợ và tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá và giới thiệu những giá trị văn hóa, những giá trị truyền thống của Hungary và Việt Nam.
Quỹ đã đạt được nhiều thành công trong quá trình này, như: Quỹ đã phối hợp với ĐSQ Việt Nam tại Hungary tổ chức Ngày Việt Nam rất thành công tại thủ đô Budapest vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; Một sự kiện lớn khác trong quan hệ ngoại giao Việt Nam Hungary là việc Đài Kỷ niệm tình hữu nghị Việt-Hung được khánh thành tại trung tâm thành phố Paks vào tháng 6/2010, sau hơn một năm thúc đẩy và vận động đối với chính quyền nước bạn và các cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, Quỹ đã thúc đẩy có hiệu quả cho một số dự án hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Quỹ đã làm cầu nối để Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết Hiệp định Hợp tác với Hiệp Hội Doanh nghiệp Hungary. Ngoài ra chúng tôi chú trọng tới các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc và truyền thống dân tộc của hai đất nước và truyền đạt các giá trị đó tới thế hệ trẻ.
Tôi rất mừng là ngay sau khi Tối Việt Nam diễn ra, các doanh nghiệp Hungary đã lên kế hoạch cho chuyến đi tìm hiểu Việt Nam sắp tới. Quỹ sẽ hỗ trợ hết sức để giúp xây dựng một chương trình hữu ích và phong phú cho Đoàn. Chúng tôi dự tính chương trình sẽ bao gồm các buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng các lĩnh vực liên quan.
Từng có nhiều năm sinh sống tại Hungary, xin bà chia sẻ về tình hình sinh sống và làm việc của cộng đồng người Việt tại đây?
Cộng đồng người Việt ở Hungary không lớn nhưng nói chung được đánh giá tốt trong con mắt người bản xứ. Phần đông cộng đồng hòa nhập tốt với xã hội và có nhiều người Việt Nam thành công ở Hungary, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà cả trong lĩnh vực hoạt động khoa học. Đặc biệt, các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba hòa nhập rất tốt và đạt được nhiều thành tựu lớn trong các cuộc thi về học tập, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, thể thao.
Cũng phải nói thời gian gần đây, rất tiếc là có một bộ phận rất nhỏ người Việt tại đây đã làm giảm uy tín của cả cộng đồng khi tham gia vào hoạt động trái phép là trồng cần sa hay đưa người xâm nhập vào Hungary bất hợp pháp. Nhưng nhìn chung, người dân cũng như chính quyền Hungary đều có thiện cảm với người Việt tại đây.
Xin cảm ơn bà!
Khánh Nguyễn (thực hiện)