Ngày 14/12/2015, đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đã đến thăm Tulcea, Romania. (Nguồn: Sở ngoại vụ tỉnh Bến Tre) |
Hướng đến lĩnh vực cùng quan tâm
Với đặc thù của điều kiện tự nhiên, Bến Tre là một tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mekong, 90% diện tích đất có độ cao từ 1-2m so với mực nước biển và 10% vùng thấp ven sông, ven biển dưới 1m. Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh của Đồng bằng sông Mekong chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ, cùng kinh phí địa phương, Bến Tre đã xây dựng được Chương trình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học khu vực ven biển và phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh cũng nghiên cứu các mô hình canh tác thích hợp trên đất nhiễm mặn và trồng rừng ven biển, xây dựng, nâng cấp các công trình đê bao, cống ngăn mặn điều tiết nước, nhà máy cấp nước, nhà tránh bão,...
Tuy nhiên, các công trình ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh còn khiêm tốn, chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt và thiếu kinh phí đầu tư các công trình trọng điểm, lâu dài. Trước tình hình đó, ngày 16/10/2014 tại Milan (Italy), bên lề Hội nghị cấp cao ASEM-10, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, đại diện cho Đồng bằng sông Mekong và lãnh đạo tỉnh Tulcea, Romania, đại diện cho Đồng bằng sông Danube, là hai đồng bằng có nhiều điểm tương đồng, đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai địa phương. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác Mekong - Danube của ASEM, do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU điều phối với sự hỗ trợ của EU về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường xuyên quốc gia, du lịch…
Đây là hoạt động hợp tác cấp địa phương đầu tiên của Việt Nam với một nước thành viên EU trong khuôn khổ hợp tác liên tiểu vùng của ASEM, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực cùng quan tâm, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn là một điển hình hợp tác liên khu vực giữa các nước ven sông Mekong và Danube trong quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới.
Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bến Tre của Việt Nam với tỉnh Tulcea của Romania bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 10. (Nguồn: Sở ngoại vụ tỉnh Bến Tre) |
Nhộn nhịp quan hệ “kết nghĩa”
Sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, ngày 29/10/2015, đoàn công tác tỉnh Tulcea do ông Teodorescu Horia, Chủ tịch Hội đồng tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác đến tỉnh Bến Tre thực hiện chuyến khảo sát thực tế tại Khu bảo tồn đa dạng sinh học sân chim Vàm Hồ (huyện Ba Tri) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú).
Đại diện lãnh đạo của hai tỉnh đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái và các vấn đề về môi trường. Hai bên đã đi đến thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng. Theo đó, tỉnh Tulcea sẽ giúp Bến Tre khảo sát, học tập kinh nghiệm thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại Tulcea để xây dựng dự án quản lý khu bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái Vàm Hồ và khu bảo tồn đất ngập nước Thạnh Phú, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước, cải thiện sinh kế bền vững cho Bến Tre nói riêng, các địa phương của các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong nói chung, trên cơ sở trình và kêu gọi hỗ trợ từ Liên minh châu Âu để sớm thực hiện dự án.
Dự án này dự kiến sẽ chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2016-2020) sẽ thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mekong. Giai đoạn 2 (2021-2023), vận hành Trung tâm tri thức phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại Bến Tre và nhân rộng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các khu bảo tồn đất ngập mặn đồng bằng sông Mekong,…
Dù có không ít những khác biệt về văn hóa nhưng tôi cảm thấy sự hợp tác thực chất ngay lần đầu tiên khi hai Đoàn gặp nhau. Thông qua vai trò cầu nối của Ngài Đại sứ Romania tại Việt Nam, Valeriu Arteni và phu nhân. Nhờ biết tiếng Việt khá tốt, Đại sứ đã giúp cho Bến Tre nắm được nhiều thông tin về Tulcea. Nhờ đó, qua mỗi lần gặp nhau, các thành viên trong Đoàn giữa hai nước luôn trao đổi kinh nghiệm rất chân tình trên mọi lĩnh vực. |
Đến 14/12/2015, tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức một đoàn công tác sang làm việc tại tỉnh Tulcea nhằm tiếp cận, học hỏi các kinh nghiệm của Tulcea về môi trường, du lịch và phát triển kinh tế.
Trong chuyến công tác này, phía Bến Tre đã được tỉnh Tulcea thu xếp một cuộc gặp gỡ với Cơ quan bảo tồn sinh quyển sông Danube và Viện quốc gia nghiên cứu phát triển châu thổ sông Danube để tìm kiếm cơ hội hợp tác và hỗ trợ từ phía các cơ quan này, trước mắt là sự cử một số chuyên gia sang giúp Bến Tre khảo sát thực tế để sớm hoàn thành Dự án "Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại ĐBSCL”.
Gần đây nhất, từ ngày 8-10/8, Đoàn công tác tỉnh Bến Tre phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Romania và các cơ quan chức năng tỉnh Tulcea tổ chức một số hoạt động xúc tiến thương mại và trao đổi hợp tác về văn hóa tại tỉnh Tulcea. Dự buổi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước đã bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Bến Tre và Tulcea thông qua việc tích cực triển khai các dự án do EU tài trợ về bảo tồn sinh học, xử lý nguồn nước và phát triển du lịch sinh thái tại Bến Tre đang được hai bên tích cực triển khai.
Cần rõ ràng, thực tế và nhạy bén
Tulcea và Bến Tre có sự tương đồng về tiềm năng phát triển, cùng nằm ở cuối nguồn của dòng sông thuộc loại lớn của châu lục và cùng chịu sự tác động ngày càng gia tăng của các hoạt động phát triển kinh tế, sự ô nhiễm môi trường cũng như đối mặt với các thách thức về bảo tồn đa dạng sinh học và hạn chế về nhận thức trong bảo vệ tài nguyên môi trường của con người.
Việc hợp tác với Tulcea sẽ giúp Bến Tre thuận lợi hơn trong cụ thể hóa thông qua Dự án, sớm đạt được mục tiêu của việc thực hiện dự án nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ đất ngập nước, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác Á - Âu, Mekong và Danube đi vào chiều sâu. Song hai địa phương thuộc hai châu lục, cách xa nhau nên việc giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhất là chi phí đi lại trong giao lưu giữa các Đoàn công tác, cũng như giữa các chuyên gia, nhân dân của hai nước.
Chính vì thế, để tăng cường hợp tác trong thời gian tới, dưới góc độ địa phương, tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là "cần xác định các ưu tiên trong nội hàm hợp tác để nâng cao tính thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu của ASEM, trên cơ sở của ba trụ cột hợp tác: Chính trị, Kinh tế - phát triển và văn hóa - xã hội”. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của hợp tác Á - Âu dưới góc độ của địa phương mà tỉnh Bến Tre mong muốn tập trung.
Để duy trì được mô hình hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương, kinh nghiệm là phải có sự tương đồng về mặt địa lý cũng như các đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội không có sự chênh lệch nhau nhiều về xuất phát điểm thì sự chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của hai địa phương về thiết lập cơ sở pháp lý, thể chế, huy động nguồn tài chính và tổ chức thực hiện trong quá trình thực hiện những dự án giữa hai địa phương mới dễ tiếp cận và trao đổi hơn.
Đồng thời, để thiết lập được lòng tin và thiệm cảm của đối tác thì vai trò của người lãnh đạo của hai địa phương rất là quan trọng, nhất là tác phong: năng động, thực tế và nhạy bén sẽ mang lại một sự hứa hẹn cho sự hợp tác có kết quả thực chất hơn.
Cao Văn Trọng Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre