Nhỏ Bình thường Lớn

Bệnh thành tích - "nhân tố bí ẩn" phá hoại cuộc sống tinh thần con người

Sau nhiều câu chuyện buồn trong giáo dục thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng, khi không còn chạy theo những giá trị ảo, ta sẽ biết nâng niu những giá trị “người” hơn…
TIN LIÊN QUAN
benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách?
benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi Thấy gì từ "làn sóng" bình phẩm Công nghệ giáo dục?

Con trai tôi sinh ở Nga, tròn 6 tuổi thì về Việt Nam học lớp một. Tôi còn nhớ, cháu vấp phải rất nhiều rào cản về tâm lý, sốc về cách học, cách ứng xử ở môi trường học đường Việt Nam. Đơn giản vì bé chưa quen và chưa được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt để bước vào một lớp học 50-60 học sinh thay vì 30 học sinh như ở Nga.

Thế mà, tôi không ngờ rằng, những bạn nhỏ Việt Nam khi sang học ở “Tây” cũng chịu nhiều áp lực không kém.

Áp lực của sự… không thành tích

Tôi có dịp nghe câu chuyện của một bạn nhỏ theo bố mẹ sang Đức. Cháu bị stress nặng vì những thứ xung quanh “không giống ở nhà”. Trước hết, không ai để ý đến thành tích của cháu. Cháu đã quen được tung hô: cuối tuần khen thưởng vì điểm giỏi, ông bà tự hào khoe với bạn bè hàng xóm về cô cháu gái giải nọ giải kia trong các cuộc thi. Ở trường, cháu được được nhắc tên, tuyên dương, nhận quà, thay mặt các bạn phát biểu. Nghĩa là, thành tích của cháu phải được ghi nhận, được xếp hạng, được ngưỡng mộ.

benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi
Khi không còn chạy theo những giá trị ảo, ta sẽ biết nâng niu những giá trị “người” hơn… (Nguồn: Thanhnien)

Nhưng ở châu Âu, họ cần học sinh vượt được bản thân, thành tích phải so sánh với thành tích của chính mình trước đó. Tất cả những cố gắng vượt bậc của cô bé hòng chứng minh năng lực của mình trội hơn các bạn, giờ rơi vào hẫng hụt. Điểm số cũng chỉ được cho để đánh giá nỗ lực của trò, phương pháp tiếp cận của thầy.

Thế là cô bé sốc, mọi giá trị dường như thay đổi. Cô bé đã mất khá nhiều thời gian để làm quen với phong cách “sống không vì thành tích”…

Sống theo chỉ tiêu, học vì thành tích

Lại nói câu chuyện ở Việt Nam, tôi nhớ, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo của con tôi nói: “Tôi đã đăng ký 97% học sinh giỏi, tính ra là chỉ được phép có X học sinh khá thôi, nên rất cần sự hỗ trợ của bố mẹ!” Đồng thời, cô lấy đó để tạo động lực cùng nhau cố gắng “đủn mông con”, tin vào con số phần trăm nhà trường áp xuống và quyết tâm theo. Từ đó nảy sinh nhiều bất cập trong ứng xử học đường do cô quá lo lắng, sốt ruột cho con số tròn trịa cần đạt đến.

Còn phụ huynh thì nghĩ gì về điều này? Tôi nhớ, khi Bộ GD&ĐT áp dụng phương án không chấm điểm đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học, chúng tôi có tham gia thảo luận trên một diễn đàn trực tiếp của Đài tiếng nói Việt Nam. Quá nửa các phụ huynh gọi đến thắc mắc, mong muốn có điểm, có xếp thứ, có thi đua... Ở góc độ nào đó, tôi rất hiểu băn khoăn của các bậc cha mẹ. Họ lo sợ sự cố gắng của con mình không được đánh giá đúng mức, bạn học giỏi và chăm chỉ bị đánh đồng với bạn học yếu hơn và lười hơn.

Có lẽ, việc thi đua, báo cáo thành tích, khoe kết quả hoàn hảo đã ăn sâu vào tư duy của chúng ta trong mọi câu chuyện ứng xử xã hội chứ không chỉ ở trường học nữa, bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Thành tích, những con số định lượng - về bản chất không xấu và có lý do để tồn tại. Chúng cho mỗi cá nhân cơ sở để tự đánh giá bản thân, tạo động lực hành động. Tuy nhiên, nói để thấy, cả xã hội vẫn còn câu nệ thành tích, lấy thành tích làm đồ trang sức cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Thành tích kiểu ấy biến thành hình thức, phần nhiều là giả tạo, khiến con người bị lệ thuộc vào sự tròn trịa của con số, sự giả dối của sản phẩm. Thậm chí, mọi mức độ, tiêu chí đánh giá và tự đánh giá đã không còn cho kết quả đáng tin nữa.

Và để chạy đua thành tích, người ta tạo áp lực cho mình và cho nhau. Đó là một trong những nguyên nhân đáng kể cho nhiều câu chuyện buồn những năm gần đây trong giáo dục. Đó là việc giáo viên đánh, tát học trò, bắt quỳ;  bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần đối với trẻ trong gia đình và nhà trường; việc dạy trẻ cách đối phó khi có lỗi do sợ ảnh hưởng đến thi đua của lớp.

Thực tế, việc xếp thứ hạng thi đua của các lớp khiến cho cả cô lẫn trò không còn sợ lỗi sai mà chỉ sợ người ta bắt được lỗi sai. Trẻ không còn nhận thức được hành vi của mình có gì chưa ổn để điều chỉnh mà chỉ lo lắng tìm cách biến báo, che giấu, đổ lỗi. Kết quả là chúng ta sẽ có một lớp trẻ nhiều người không dũng cảm, không dám nhận lỗi, luôn tìm cách biện minh cho những sai phạm, không tự đánh giá được chỗ còn yếu của mình. Từ đó, họ khó thay đổi, sáng tạo, nhận bài học quý từ những lỗi sai - những yếu tố dẫn đến sự trưởng thành và thành công.

Phải làm sao?

Thành tích vẫn quan trọng, điểm số vẫn cần thiết nếu biết nhìn hợp lý và tiếp cận vấn đề đúng mực. Điểm số là để học sinh và thầy cô tự đánh giá hoạt động học tập, dạy học của mình. Thành tích là sự “ganh đua” giữa mình hôm qua và hôm nay, những con số sẽ cho ta niềm vui, như một phản hồi tích cực cho mọi cố gắng.

Một bạn nhỏ lớp Một tôi quen, cuối học kỳ mang giấy khen, phần thưởng về, thờ ơ chẳng chút vui mừng. Bé bảo, cả lớp là học sinh giỏi! Thế nhưng, bé rất hào hứng phấn khích khi tôi khen chữ O của bé đã tròn hơn hẳn chữ O mấy tháng trước. Bé trình bày dài dòng về cách đưa tay để nét đầu và nét cuối của vòng tròn gặp được nhau. Đó cũng là thành tích, nhưng là thành tích mà con người cá nhân tự đặt mục tiêu cho mình để hướng tới - thật hạnh phúc, không có bóng dáng của bạo lực, bạo hành!

Hãy xoá bỏ áp đặt chỉ tiêu thành tích từ bên trên, bên ngoài. Hãy để mỗi cá nhân, mỗi tập thể tự đưa ra mục tiêu hành động cho mình, học cách tự đánh giá hoạt động của mình một cách trung thực. Khi không còn chạy theo những giá trị ảo, giả, ta sẽ biết nâng niu những giá trị “người” hơn!

benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi Ngân sách cho giáo dục còn nhiều bất cập?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi ...

benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi Đổi mới phương pháp giảng dạy giáo dục thể chất cho học sinh Hà Nội

Ngày 25/10, Công ty Nike Việt Nam đã phối hợp với Công ty CP Truyền thông Danson, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tổ chức Hội ...

benh thanh tich nhan to bi an pha hoai cuoc song tinh than con nguoi Nhìn về "sản phẩm" giáo dục hôm nay

Bằng kinh nghiệm của mình, Chuyên gia Giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Trưởng dự án Giáo dục Emile Việt) cho rằng, bệnh thành ...

Nguyễn Thụy Anh Tiến sĩ Giáo dục học