📞

Biến đổi khí hậu: Bế tắc trong việc đàm phán chia sẻ tài chính giữa các nước, chủ tịch COP 29 ra lời kêu gọi

Bảo Minh 16:11 | 17/07/2024
Mới đây, Azerbaijan đã kêu gọi các chính phủ thỏa hiệp nhằm phá vỡ bế tắc trong nỗ lực giúp các nước nghèo hơn ứng phó tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các nước nghèo hơn thải khí carbon ít hơn, nhưng lại phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất do hành tinh nóng lên. (Nguồn: Dreamstime)

Azerbaijan là nước đăng cai Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 29 – COP29, dự kiến diễn ra từ 11-22/11.

Theo hãng tin AFP, các bên tham gia COP29 được kỳ vọng sẽ nhất trí một thỏa thuận toàn cầu về việc các quốc gia giàu có hỗ trợ các khoản đầu tư về khí hậu ở các nước đang phát triển, tuy nhiên các cuộc đàm phán tới nay vẫn đình trệ.

Các quốc gia đang phát triển cần các khoản đầu tư lớn vào hệ thống năng lượng để giảm lượng khí thải carbon do hoạt động trong nước, đồng thời tăng cường khả năng phòng vệ trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nước nghèo hơn thải khí carbon ít hơn, nhưng lại phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất do hành tinh nóng lên.

Hội nghị Khí hậu ở Bonn (Đức) tháng trước cũng kết thúc trong bế tắc như các cuộc đàm phán tương tự trong nhiều năm qua.

Trong một lá thư gửi tới khoảng 200 quốc gia đã ký kết các hiệp định về khí hậu của LHQ, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev phản ánh việc các bên đang thiếu “những tiến bộ cần thiết”, đồng thời cảnh báo thời gian không còn nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Babayev nêu rõ: “Rõ ràng chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ công việc. Thời gian mất đi cũng giống như mạng sống, sinh kế và hành tinh bị mất đi".

Theo ông Babayev, sự bế tắc hiện nay sẽ "không thể được giải quyết chỉ thông qua các nhà đàm phán", đồng thời kêu gọi sự lãnh đạo chính trị từ bên ngoài giúp đưa các cuộc thảo luận tiến tới đồng thuận.

Các quốc gia giàu có đang chịu áp lực phải cam kết những mục tiêu tài chính mới vượt xa mức 100 tỷ USD/năm mà họ đã nhất trí vào năm 2009.

Theo đánh giá của chuyên gia do LHQ ủy quyền, các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần tăng ngân sách đầu tư khí hậu gấp 25 lần so với hiện tại, lên khoảng 2.400 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Các nhà đàm phán gần như chưa đạt được đồng thuận về số tiền viện trợ, trong khi nội dung đàm phán đang sa lầy vào việc phân định nước nào sẽ chi trả, số tiền sẽ được nhận dưới hình thức nào và nước nào sẽ nhận được hỗ trợ.

Theo hiệp định khí hậu năm 1992, chỉ một số ít các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có nhất vào thời điểm đó có nghĩa vụ phải trả các khoản tài chính khí hậu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhóm nước đóng góp cần được mở rộng, đáng chú ý nhất là bao gồm cả Trung Quốc - quốc gia ngày nay giàu có hơn rất nhiều so với 30 năm trước và là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện nay.

Theo kế hoạch, Azerbaijan sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức của các nhà đàm phán trong 2 ngày, từ ngày 26/7 tới. Nước này đã chỉ định hai nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm là Dan Jorgensen của Đan Mạch và Yasmine Fouad của Ai Cập giúp các bên đạt được tiến bộ trong đàm phán.