Sơ đồ về sự tiến hóa của một số loài linh trưởng. (Nguồn: Phys.Org) |
Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science (Mỹ), các nhà nghiên cứu báo cáo kết quả cuộc khai quật hóa thạch 6 loài động vật linh trưởng cổ đại (tiền thân của các loài khỉ, vượn và con người) ở miền Nam Trung Quốc.
Theo ông Christopher Beard, chuyên viên cao cấp của Viện Đa dạng sinh học (Đại học Kansas, Mỹ) - đồng tác giả của nghiên cứu, những loài động vật linh trưởng cổ đại này đã tồn tại một cách chật vật khoảng 34 triệu năm trước, thời gian được giới khoa học gọi là thời kỳ Eocen-Oligocen.
Vào giai đoạn này, khí hậu ở nhiều vùng trên Trái Đất đột nhiên lạnh hơn và độ ẩm giảm xuống nhanh chóng khiến khu vực châu Á trở nên không còn thích hợp cho các loài linh trưởng, làm cho số lượng loài này tại đây giảm mạnh. Vì vậy, việc tìm được hóa thạch của những loài này là đặc biệt hiếm.
Xương hàm hóa thạch của linh trưởng được khai quật ở miền Nam Trung Quốc (Nguồn: Phys.Org) |
Ông Beard cho biết thêm: “Các loài linh trưởng quen sống trong môi trường ấm áp và ẩm ướt nên trong thời kỳ khó khăn này, nhiều loài linh trưởng đã bị tuyệt chủng ở Bắc Mỹ và châu Âu, chỉ còn một số loài còn sống sót ở châu Phi và Nam Á".
"Việc nghiên cứu về số phận của các loài linh trưởng cổ đại ở những khu vực này chính là chìa khóa để hiểu rõ quá trình tiến hóa của con người", ông nói.
Nhóm nghiên cứu đã thu được nhiều bằng chứng rằng các loài vượn người đầu tiên có nguồn gốc ở châu Á. Trong thời kỳ này, một số vượn người châu Á đã di cư sang châu Phi và bắt đầu phát triển ở đó.
"Cuộc khủng hoảng khí hậu vào thời kỳ Eocen-Oligocen đã xóa sổ hầu hết vượn người châu Á, vì vậy nơi duy nhất mà chúng có thể tiến hóa để trở thành khỉ, vượn và con người chính là châu Phi" - ông Christopher Beard cho biết.