Từ trước tới nay, các cuộc thảo luận quốc tế về biến đổi khí hậu thường tập trung vào vấn đề phát thải khí carbon, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, và cách thức đối mặt với những thách thức chung là thông qua các hiệp ước khí hậu. Tuy nhiên, mối nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh giữa và trong các quốc gia như là một hậu quả gián tiếp của biến đổi khí hậu mới chỉ bắt đầu được giải quyết.
Biến đổi khí hậu gián tiếp gây ra các cuộc xung đột. (Nguồn: Pixabay) |
Khi cuộc xung đột Darfur ở Sudan năm 2007 diễn ra, một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới, được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đánh giá là cuộc xung đột đầu tiên có liên quan đến biến đổi khí hậu. Sự kiện này đã gây ra những cuộc tranh luận toàn cầu về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và chiến tranh.
Theo một báo cáo về Darfur của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), tuy cuộc xung đột bắt đầu do lực lượng nổi dậy chống lại chính phủ, nhưng thay đổi trong hệ sinh thái của khu vực cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra xung đột.
Đất canh tác bị bạc màu và quá trình sa mạc hóa ở miền Bắc Darfur khiến những người dân tại đây phải du cư về phía Nam để tìm kiếm những khu vực đất đai màu mỡ hơn. Tuy nhiên, sự suy giảm nguồn nước, hạn hán và mùa màng không ổn định cũng gây ảnh hưởng lớn đối với nhiều nông dân định cư ở miền Nam khi họ chuyển sang chăn nuôi, khi chất lượng của đồng cỏ và đất đai kém phì nhiêu hơn. Sự suy giảm tài nguyên ấy đã làm nảy sinh những xung đột trong cộng đồng và khi trở nên trầm trọng hơn, chúng gây ra bất hòa dân tộc, chia rẽ kéo dài và bất mãn với chính quyền...
Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ trùng hợp ngẫu nhiên giữa thiên tai liên quan đến khí hậu và các cuộc xung đột bạo lực trên toàn cầu lên đến 9%. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, ở các nước có vấn đề chia rẽ văn hóa, 23% các cuộc xung đột xảy ra trùng hợp với các thảm họa khí hậu.
Một nghiên cứu được công bố bởi các học giả từ nhiều trường Đại học trên khắp nước Mỹ cũng xem xét mối liên hệ giữa tăng nhiệt độ và cuộc nội chiến ở châu Phi. Dựa trên sự phân tích của các cuộc xung đột vừa qua ở tiểu vùng Sahara châu Phi và nhiệt độ tương ứng trong những giai đoạn thời gian, các nhà nghiên cứu thấy rằng, có sự gia tăng đáng kể các vụ xung đột trong những năm nhiệt độ ấm hơn. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng, do nền kinh tế khu vực này phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, sự suy giảm thu nhập và năng suất do thay đổi nhiệt độ gây ảnh hưởng đến phúc lợi kinh tế. Đó là các yếu tố chắc chắn có liên quan đến các cuộc xung đột.