Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh kỷ niệm với các nữ Đại sứ tại Phủ Chủ tịch, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Báo cáo Chỉ số nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) 2021, 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, xếp thứ 9 trong 58 nền kinh tế được nghiên cứu.
Các nhà khoa học nữ chiếm hơn 20% trong danh sách 405 ứng viên Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2021 đạt đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Những dữ liệu đó mang thông điệp lớn hơn: Phụ nữ Việt Nam ngày nay không chỉ có vai trò “giữ lửa” trong mỗi gia đình mà còn là chủ thể có đầy đủ vị thế và tiềm năng để trở thành động lực quan trọng của tiến trình đổi mới và nâng tầm vị thế đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
Việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng là một trong những ưu tiên quan trọng trong triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam. Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ về hình ảnh một quốc gia tích cực, chủ động, dẫn dắt trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quyền phụ nữ và vai trò của phụ nữ, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong hợp tác song phương, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ được lồng ghép vào hoạt động đối ngoại ở các cấp, từ trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao, đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết, thực hiện thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam không chỉ giới thiệu về chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người, mà còn tranh thủ được thêm nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ.
Khi phát biểu tại cuộc gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận đóng góp của những nữ đại sứ, cán bộ nữ ngoại giao cùng với "nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những người đã tận tụy, hết lòng với công việc, trở thành các “sứ giả” của tình hữu nghị, gần gũi, gắn bó với người dân bản địa, nước sở tại; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”.
Trên thế giới, bình đẳng giới là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội, là xu hướng vận động tích cực mà toàn nhân loại hướng đến.
Như bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) từng nhấn mạnh, không một châu lục hay quốc gia nào có thể đạt được sự phát triển bền vững, bao trùm nếu phụ nữ bị đặt ở phía sau.
Đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng tầm vị thế của Việt Nam chính là vai trò to lớn ngày càng được khẳng định mạnh mẽ của phụ nữ.
| Nữ Đại sứ nước ngoài nói về bình đẳng giới ở Việt Nam Phụ nữ Việt Nam có thể ghi dấu ấn và hiện diện nhiều hơn nữa, đặc biệt với các vị trí Bộ trưởng, Thứ trưởng ... |
| Ấn tượng 'đội quân tóc dài' thời hiện đại Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam thể hiện sinh động qua việc phụ nữ tham ... |