TIN LIÊN QUAN | |
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác kiện Mỹ lên WTO | |
Moscow và Ankara có thể đạt đến cấp độ mới trong quan hệ song phương |
Theo tiết lộ từ Thư ký Tổng thống Nga Dmitry Pesko, Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về việc giải quyết vấn đề Syria đang tích cực được chuẩn bị và dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu của tháng 9 tại Tehran, Iran.
Bước cuối đến hòa bình
Cuộc họp lần này được dự đoán có thể mang tới một bước đột phá nhằm giải quyết vấn đề Syria. Đây là cơ hội để Nga đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải phóng tỉnh Idlib – nơi tập trung nhiều nhóm khủng bố và cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, là trọng điểm cuối cùng mà phe đối lập Syria nắm giữ tại nước này và cũng là trở ngại cuối cùng ngăn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố chiến thắng.
Gần đây, chính quyền Syria đang gấp rút đưa thiết bị quân sự lên phía Bắc và mở rộng các đợt không kích để chuẩn bị cho trận đánh quyết định trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm. Giới chuyên gia nhận định, tầm quan trọng chiến lược của Idlib khiến cuộc tấn công do Chính phủ dẫn đầu là điều khó tránh khỏi và việc giành chiến thắng sẽ khiến chính quyền Tổng thống Assad nắm giữ phần lớn lãnh thổ của Syria.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay trong cuộc gặp gỡ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/4. (Nguồn: AP) |
Mặc dù vậy, với sự hiện diện trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều kịch bản đã được đặt ra cho Idlib. Ankara hiện là một trong những thế lực bảo trợ cho một “vùng giảm leo thang” tại Idlib. Tuy nhiên, Ankara cũng được cho là đang “chống lưng” một số nhóm đối lập hoạt động trong khu vực.
Nếu Tổng thống al-Assad quả quyết giành lại Idlib bằng vũ lực, Syria nhiều khả năng phải đối mặt với thảm họa nhân đạo “tận diệt” liên quan đến khoảng 700.000 nghìn người – con số lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại về người trong các cuộc tấn công trước đó. Hơn nữa, nó sẽ đẩy hàng triệu người tị nạn về biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng khả năng bùng phát một cuộc xung đột lớn hơn.
Như vậy, khó khăn lớn nhất mà Chính phủ của Tổng thống Assad phải đối mặt là giải quyết mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong trận tuyến cuối cùng. Nếu bài toán Idlib không tìm được lời giải, hành trình tìm kiếm hòa bình cho Syria vẫn sẽ dở dang và bế tắc.
Liên minh bền chặt?
Kể từ khi cùng bắt tay hợp tác vì nền hòa bình Syria, quan hệ Nga - Thổ - Iran đã được nâng lên một tầm cao mới, khăng khít và bền chặt hơn. Việc ba nước này xích lại gần nhau là điều ít ai có thể ngờ tới, đặc biệt là khi quan hệ Iran - Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử vốn rất phức tạp.
Ngày 16/8, tướng Mohammad Baqeri, Tham mưu trưởng quân đội Iran đã có chuyến thăm hiếm hoi đến Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về xung đột Syria và chống khủng bố. Dù ủng hộ các phe khác nhau trong cuộc nội chiến Syria, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã để mở khả năng hợp tác để giảm giao tranh giữa hai phe chính phủ và nổi dậy.
Với cuộc nội chiến tại Syria, cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran luôn thể hiện thiện chí tìm kiếm cơ hội hòa bình cho quốc gia Trung Đông này qua các cuộc đàm phán. Trước đó vào ngày 2/11/2017 lãnh đạo ba nước này cũng đã gặp nhau tại Sochi, Nga. Tại đây, những thành quả trong cuộc chiến chống khủng bố đã được thông báo và bắt đầu giai đoạn mới trong giải quyết vấn đề Syria.
Ngay sau cuộc gặp này, ngày 30/11/2017, các bên đã tổ chức đối thoại quốc gia với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu thuộc các tầng lớp, tổ chức xã hội ở Syria. Tất cả đã biểu quyết và đồng ý thành lập Hội đồng Hiến pháp và Ủy ban Hiến pháp. Tiếp đó, ngày 4/4/2018, lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức Thượng đỉnh về vấn đề Syria ở Ankara, nhất trí thông qua tuyên bố chung về giải quyết xung đột tại Syria.
Các cuộc thảo luận hòa bình Syria diễn ra sau đó đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Một số nhóm đối lập đồng ý giao nộp vũ khí, số khác hứa sẽ ký thỏa thuận ngừng bắn, các nhóm đối lập ở miền Bắc và miền Đông đồng ý tham gia các hoạt động chống khủng bố...
Điều quan trọng là các nhóm đối lập đều tỏ thiện chí tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Ngay cả lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn cũng đã đàm phán với Chính phủ Syria để tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Có thể thấy, đối thoại, dù theo định dạng nào, cũng sẽ là cơ hội cho các bên cùng ngồi lại để tăng cường sự hiểu biết, tạo dựng và củng cố lòng tin, qua đó tìm kiếm tương đồng và điều hòa lợi ích. Chỉ có như vậy mới có thể tiến tới nền hòa bình ổn định, bền vững cho đất nước Syria đã trải qua nhiều đau thương này.
Báo Mỹ phân tích về quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ Sau Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát, báo chí Mỹ đã có nhiều bài viết dự đoán về tác động của ... |
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất về vấn đề Syria Ngày 25/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Rayip Erdogan và thảo luận vấn ... |
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi lợi ích kinh tế là tiếng nói chung Đúng như lời của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang được khôi phục với tốc ... |