Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong sự kiện tại thủ đô Ankara ngày 2/1. (Nguồn: AP) |
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề xuất gửi quân tới hỗ trợ, tham chiến tại Libya. Lực lượng này chủ yếu sẽ gồm phiến quân Syria và được triển khai trong vòng 1 năm. Với quyết định này, Ankara được kỳ vọng thay đổi cục diện chiến trường tại Tripoli, xác lập và củng cố vị thế tại khu vực và thế giới.
Thực hư câu chuyện này như thế nào?
Đầu tiên, cục diện chiến trường đang có lợi cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Ngày 6/1, LNA đã giành quyền kiểm soát thành phố ven biển Sirte, khẳng định ưu thế vượt trội, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đuối thế.
Thực tế này là dễ hiểu, khi LNA được tổ chức bài bản, dẫn dắt bởi tướng lĩnh kinh nghiệm và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ, thực chất của Nga, Pháp, Ai Cập và Saudi Arabia. LNA được Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, song phần nhiều ở trên danh nghĩa và chưa được chuyển hóa thành lợi thế chiến trường.
Với sự tham dự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, mọi chuyện sẽ rất khác. Chín tháng trước, sau khi được Ankara hỗ trợ các máy bay chiến đấu không người lái và thiết giáp, GNA đã tạm thời chặn đứng đà tấn công của LNA. Tuy nhiên lợi thế này đã sớm phai nhạt trước yểm trợ không quân UAE và hỗ trợ từ chuyên gia Nga hồi tháng Chín.
Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định vai trò chính của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya là điều phối và cố vấn, song khi chiến trường đang bất lợi cho GNA, chừng đó sẽ không đủ và việc lực lượng này tham chiến trực tiếp chỉ là sớm muộn.
Tuy nhiên, bước đi này sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ ở thế đối đầu với các quốc gia bảo trợ. Phát biểu sau cuộc họp ngày 6/1 với Hội đồng Bảo an LHQ, Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame đã “giận dữ” trước sự can thiệp của nước ngoài tại Libya, cho rằng người dân Libya “đã chịu đựng đủ”.
Đáng ngại hơn, bên kia chiến tuyến là Nga, quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn xây dựng quan hệ. Chiến sự tại Libya có thể tác động tiêu cực tới hợp tác triển khai thỏa thuận Syria của hai bên, thậm chí khiến Moscow điều động lực lượng hỗ trợ LNA, làm Ankara “mất cả chì lẫn chài”. Lo ngại trên có lẽ là lý do tại sao ông Erdogan lại thận trọng khi điều động lực lượng tới Libya.
Quan trọng hơn, đây sẽ là cuộc phiêu lưu táo bạo, thử thách năng lực, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước Libya, nước này từng cử quân tới Qatar và Somalia, song Qatar khi ấy không là vùng chiến sự, còn vai trò của Ankara tại Somalia chỉ là hỗ trợ huấn luyện. Libya sẽ là bài kiểm tra năng lực tác chiến thực sự của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Mọi chuyển biến xấu có thể tác động tiêu cực tới tỷ lệ ủng hộ của ông Erdogan, khiến cử tri đặt câu hỏi về lợi ích tham chiến tại quốc gia ở lục địa khác, cách Thổ Nhĩ Kỳ 2.000 km và đang chìm trong loạn lạc.
Tuy nhiên, khi thành công, phần thưởng dành cho Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và ông Erdogan nói riêng là tương đối “hậu hĩnh”. Trữ lượng dầu mỏ dồi dào cùng dự án tái kiến thiết đất nước sau chiến tranh sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng thị trường.
Về chiến lược, Libya sẽ là đòn bẩy quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chạy đua về khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, chiếm lợi thế trước Cyprus, Israel hay Ai Cập. Nó sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ vị thế “cường quốc khu vực” mà ông Erdogan hằng mong muốn, khẳng định di sản và tạo tiền đề theo đuổi mục tiêu mới, trong đó có phát triển vũ khí hạt nhân.
Ước vọng ai cũng có, song năng lực hiện thực hóa nó thì không phải ai cũng đủ. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có phẩm chất cần thiết để chấm dứt chiến tranh tại Libya, trở thành “cường quốc khu vực” không? Đó là câu hỏi chỉ Ankara mới có thể trả lời.