Bộ Công Thương vừa gửi văn bản tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp đối với Bộ Y tế và các bên liên quan về việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thay đổi điều kiện làm việc
Liên quan đến quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, doanh nghiệp kiến nghị bổ sung các hình thức khác để họ được lựa chọn.
Một trong những kiến nghị là cần bổ sung các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).
Mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài, do đó, cần có các giải pháp và sáng kiến để duy trì sản xuất trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia “3 tại chỗ”.
Đồng thời, cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc; Bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Tin liên quan |
Không để kết nối nền kinh tế bị đứt gãy |
Một số đề xuất còn cho rằng cần có quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.
Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa sản xuất, với mô hình "3 tại chỗ" nhưng đã phát lộ nhiều vấn đề bất cập.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nói rằng: "Mô hình “3 tại chỗ” đang không phát huy tác dụng khi thời gian áp dụng kéo dài. Có những doanh nghiệp sở hữu 19 nhà máy đã phải chấp nhận dừng toàn bộ vì không thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Các doanh nghiệp ngành lương thực ở TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 30 ngày sản xuất 3 tại chỗ, cần phải có kịch bản đối phó nếu dịch tiếp diễn 2-3 tháng nữa".
Theo bà Chi, hiện nay, việc doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" không phải là giải pháp phù hợp nữa. Doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn, chi phí phát sinh cao, phải bán huề vốn hoặc bán lỗ mà vẫn phải giữ giá để ổn định thị trường, nguyên liệu không đủ nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nguy cơ chuỗi sản xuất đứt gãy.
Ưu tiên vaccine cho người lao động
Về vấn đề vaccine, Bộ Công Thương cho rằng cần đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Cụ thể, phải ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Bộ cũng đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế có thể bố trí tổ chức tiêm tại chỗ nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.
Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất.
Trước đó, tại cuộc họp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý Kinh tế Trung ương với 6 hiệp hội ngành hàng thuộc các khối sản xuất trọng yếu của nền kinh tế, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham), bà Mary Tarnowka cũng kiến nghị, ưu tiên hàng đầu của Amcham là cùng Chính phủ phân phối vaccine và hy vọng phân phối vaccine sẽ công bằng, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam – nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc hiệp hội.
Đồng thời bà cũng cho biết, 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến không bền vững trong thời gian dài, đứng trên quan điểm bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
| Thủ tướng cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 Sáng 8/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ... |
| Vecom kết nối với Tổng cục Thuế 'gỡ vướng' cho doanh nghiệp Chương trình kết nối, trao đổi và hướng dẫn một số vấn đề về thuế trong thương mại điện tử ngày 15/6 giúp giải tỏa ... |