📞

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Quyền con người được bảo đảm tốt nhất khi có hòa bình

Phạm Anh 10:52 | 29/02/2024
“Điều chúng tôi rút ra được trong nhiều năm qua đó là các quyền con người của người dân chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách của mình để bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 26/2 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Nhất Phong)

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức về bảo đảm quyền con người, các nhà lãnh đạo cùng nhau tìm ra chìa khóa cho những thách thức chung, tạo nên “sức nóng” của kỳ họp dài nhất lịch sử Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ). Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm, chủ động có những đóng góp thiết thực vào thành công chung của kỳ họp.

Bước vào phòng họp HĐNQ, nơi diễn ra lễ khai mạc Phiên họp cấp cao là những bước chân vội vã nhưng dường như mỗi người đều đưa mắt nhìn qua những bức tranh đầy sắc màu, mang tính biểu tượng dọc hành lang, đó là hình ảnh về chim bồ câu, con thuyền, cánh tay dang rộng giữa mênh mông đất trời, đôi mắt sáng là tâm vươn tới của những bàn tay… toát lên ý niệm về hòa bình, sự tự do và công bằng.

Những hình ảnh đó đi kèm với những “slogan” như “All human beings are born free and equal in dignity and rights. They are endowed with reason and conscience and should act towards one another in a spirit of brotherhood”, tạm dịch: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tri và cần đối xử với nhau trên tình anh em (Điều 1 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền); “Everyone has the right to recognition everywhere as a person before the law” hay Mọi người đều có quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật ở mọi nơi (Điều 16 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị) và “No one shall be subjected to arbitrary arrest, detetion or exile” tức là Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tùy tiện (Điều 9 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền)…

Tất cả như một lời thủ thỉ rằng dẫu ngoài kia còn không ít bất công, xung đột, đói nghèo nhưng hãy cam kết từ trái tim “đóng góp cho hòa bình, phát triển toàn cầu và mọi quyền con người cho tất cả mọi người”, quan điểm được Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và nhiều đại biểu nhấn mạnh tại lễ khai mạc Khóa họp.

Đại biểu từ khắp nơi trên thế giới ngồi kín những hàng ghế hình vòng cung, hướng về phía bục phát biểu và bàn Chủ tịch, họ cùng nhau thảo luận trong khuôn khổ khóa họp dài nhất của HĐNQ từ trước đến nay với chương trình nghị sự dày đặc và đầy tham vọng. Sức nóng của phòng họp cho thấy thực tế rằng vấn đề nhân quyền luôn là mối quan tâm lớn, trải rộng toàn cầu. Đặc biệt, khi thế giới càng biến động, những trăn trở về quyền con người càng trở nên nhức nhối và bức thiết.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 26/2. (Nguồn: X)

Bức tranh “khắc nghiệt”

Bài phát biểu lúc bổng, lúc trầm của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis tại Phiên họp cấp cao khắc họa bức tranh khắc nghiệt về thực trạng nhân quyền tại nhiều khu vực trên thế giới với những cụm từ được hình tượng hóa, gây xúc động mạnh: Nỗi đau khổ của dân thường vô tội ở Gaza đã lên đến “đỉnh điểm không thể chịu đựng được”; hơn 90% dân số của khu vực bị ảnh hưởng này đã phải di dời và hiện đang “đứng bên bờ vực của nạn đói và bị mắc kẹt trong vực sâu thảm họa sức khỏe cộng đồng”; “những người dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng nhiều nhất”; “Chúng ta không được làm các nạn nhân thất vọng - những nạn nhân của vi phạm nhân quyền… Chúng ta không bao giờ được phép thất bại”… Thay vì những tràng pháo tay giữa mỗi quãng nghỉ của người phát biểu, cả hội trường “lặng như tờ” với những nét mặt thoáng cau mày hoặc tiếng thở dài khe khẽ.

Giữa bối cảnh đó, tinh thần “hành động”, “làm hết mình” vì quyền con người được Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh, cùng với đó là đẩy mạnh đối thoại, tìm kiếm giải pháp chung toàn diện, đáp ứng quan tâm của các nước đang phát triển, đảo nhỏ trong vấn đề biển đổi khí hậu; thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong xung đột; xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và các hệ quả của chủ nghĩa thực dân…

Tập trung vào phân tích những “phép màu” có thể hóa giải thách thức về nhân quyền trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký LHQ António Guterres phân tích kỹ càng ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (tháng 9/2024); Thỏa thuận Số toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cải tổ các tổ chức quốc tế đã lỗi thời, trong đó có cả Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngày 26/2, tại Geneva (Thụy Sỹ) khai mạc Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 HĐNQ LHQ. Tham dự Phiên họp có một Tổng thống, chín Phó Tổng thống/Phó Thủ tướng và 83 Bộ trưởng các nước thành viên LHQ, cùng Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký và Cao ủy Nhân quyền LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp.

Những “câu chuyện thành công”

Cụm từ “câu chuyện thành công” trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thu hút nhiều ánh nhìn từ các đại biểu. “Trong bức tranh chung nhuộm màu ảm đạm này, chúng ta vẫn có thể thấy một số điểm sáng với nhiều câu chuyện thành công”, Bộ trưởng nói.

Những câu chuyện thành công được người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn chứng. Đó là, Đông Nam Á vẫn là khu vực hòa bình và phát triển năng động. Bất chấp những trở ngại toàn cầu, năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 3%. Chi tiêu an sinh xã hội tiếp tục được ưu tiên cao và duy trì ở mức gần 3% GDP trong nhiều năm. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và quyền tiếp cận lương thực cho hàng triệu người ở các khu vực trên thế giới.

Từ đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tâm đắc và mong muốn lan tỏa tới bạn bè quốc tế thông điệp từ câu chuyện của Việt Nam rằng: Điều chúng tôi rút ra được trong nhiều năm qua là các quyền con người có thể được bảo đảm tốt nhất khi có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Nhà nước đặt người dân vào trung tâm trong mọi chính sách của mình để bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Theo ông, lý lẽ đó đúng “ở cấp độ toàn cầu”.

Đồng thời, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò của HĐNQ trong việc thúc đẩy thực thi Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất, nhất là kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 HĐNQ LHQ. (Ảnh: Nhất Phong)

Việt Nam cam kết và sẵn sàng

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Việt Nam chưa khi nào đầu hàng trước khó khăn hoặc từ chối những sứ mệnh vì hòa bình, phát triển, lợi ích chung của nhân loại. Dù thực tế có gian nan đến đâu, Việt Nam luôn cam kết và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung của HĐNQ.

“Với cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như nâng cao hoạt động của HĐNQ, Việt Nam đã quyết định ứng cử là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026-2028”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố trước hàng trăm đại biểu, đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ nỗ lực của Việt Nam.

Rõ ràng, ngay cả khi luật pháp quốc tế bị thách thức, chủ nghĩa đa phương đôi lúc bị hoài nghi, Việt Nam vẫn kiên định thượng tôn luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Với HĐNQ, Việt Nam nhất quán các ưu tiên khi tham gia HĐNQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.

Cùng với đó, là tinh thần tích cực, chủ động, tiên phong, “làm gương” khi tham gia HĐNQ. Tới đây, tại Khóa 56 tháng 6/2024, Việt Nam đề xuất Nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019.

Năm 2023, năm đầu tiên tham gia HĐNQ trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam rất chủ động, tích cực phát huy vai trò thành viên HĐNQ, trong đó phải kể đến sáng kiến Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ; hai sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng”…

Như vậy, từ những thông điệp mà Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi gắm tại Khóa họp HĐNQ lần này, có thể khẳng định, với thế và lực mới của đất nước, với niềm tin vào ánh sáng của công lý quốc tế và sức mạnh của tình người, dù trong bối cảnh nào của thực tại, Việt Nam vẫn tiếp tục đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, của HĐNQ, chủ động đóng góp vào việc xây dựng, định hình luật chơi chung.