Doanh nghiệp "khó chồng khó"
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Trong đó, khó khăn đầu tiên phải kể đến việc vận chuyển thông quan và tiêu thụ hàng hóa, tiếp đến là khó khăn về vốn vay và tài chính, về lao động và chuyên gia nước ngoài.
Các khó khăn đã từng bước được các bộ, ngành tháo gỡ. Tuy nhiên, trong một khảo sát diện rộng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi tới từ 63 tỉnh, thành phố tính tới ngày 15/9, mức độ tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay rất khốc liệt.
Cụ thể, 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Đa số doanh nghiệp (DN) cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp cho biết còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: Dân trí) |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số đáng kể các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch.
Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chưa từng thấy do dịch Covid-19.
Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Nhà nước đã có một loạt các điều chỉnh chính sách quan trọng. Đáng chú ý trong các văn bản chính sách mới ban hành gần đây là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Cộng đồng DN kỳ vọng vào những giải pháp cụ thể được nêu trong Nghị quyết về sự tiếp tục đồng hành của Chính phủ với các thành phần kinh tế trong việc giải quyết khó khăn.
Thế nhưng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cộng đồng DN vẫn phản ánh một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp, do thủ tục phức tạp, các điều kiện chưa phù hợp. Các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa giải quyết triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Đề xuất, kiến nghị tháo gỡ
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và DN; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tin liên quan |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tạo chuyển biến rõ nét trong triển khai Luật Quy hoạch |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực DN phục hồi.
Trong đề xuất cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mỗi địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời cùng với DN, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, đồng thời tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương.
| Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương Chiều 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc ... |
| Chính phủ Việt Nam lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU, Đại sứ các nước EU, Eurocham và một số ... |