Hình ảnh trực tuyến của Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á. |
Trong bài phát biểu đối thoại tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ những tác động của đại dịch Covid-19 tới giáo dục Việt Nam và những thay đổi để thích ứng, trong đó chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học" đã được thực hiện hiệu quả thông qua các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.
"Năm học 2020-2021 là năm nhà trường, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đã dần thích nghi với việc dạy và học theo trạng thái mới. Đây cũng là lúc chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học", Bộ trưởng cho hay.
Chia sẻ kỹ hơn về chương trình phổ thông mới đang được thực hiện tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: Chương trình hướng tới phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm) và những năng lực cốt lõi như: tự học và tự chủ; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo...
Chương trình cũng chú trọng trang bị toàn diện cho học sinh năng lực nhận thức, cảm xúc xã hội, khát vọng cống hiến cho cộng đồng và khả năng để làm một công dân toàn cầu tốt.
Bộ trưởng cũng nhắc tới mối quan hệ nhân văn tốt đẹp giữa học sinh và giáo viên, tương tác giữa giáo viên với gia đình và cộng đồng. Từ đó, cần trang bị đầy đủ cho giáo viên những năng lực cần thiết, trong đó có năng lực số để phát triển hoạt động đào tạo. Cần thiết phải hỗ trợ giáo viên để họ dễ dàng thích nghi với các thay đổi trong môi trường giáo dục mới.
"Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là xây dựng những chính sách mới nhằm tạo môi trường gợi mở sáng kiến cho các nhà giáo, giúp họ đưa ra những giải pháp sáng tạo và phù hợp hỗ trợ sự phát triển năng lực của người học", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một ưu tiên chiến lược khác của giáo dục Việt Nam được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập trong bài phát biểu, đó là xây dựng các nền tảng hỗ trợ học tập tại nhà, học tập từ xa, hệ sinh thái học tập thích ứng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, sẽ thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo và những công nghệ mới nhất vào giáo dục, đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
"Chúng tôi hướng đến tiếp cận mang tính tổng thể. Triển khai xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt với mô hình công dân học tập. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và có sự tham gia phối hợp của nhà trường - gia đình - xã hội. Xây dựng chính sách và hành động phối hợp của các bộ ngành", Bộ trưởng chia sẻ.
Đánh giá cao những thành tựu và thành công của SEAMEO trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đóng góp nguồn lực và đồng hành cùng các nước Đông Nam Á kiến tạo một nền giáo dục mở, thúc đẩy các sáng kiến nhằm hướng tới nền giáo dục chất lượng, đảm bảo không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) là một tổ chức liên chính phủ ở khu vực Đông Nam Á, được thành lập năm 1965. Hiện nay, SEAMEO bao gồm 11 quốc gia thành viên, 8 quốc gia thành viên liên kết và 5 tổ chức thành viên liên kết. Việt Nam đã 2 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO (nhiệm kỳ 2005-2006 và 2013-2015). Hội nghị SEAMEC tổ chức lần đầu tiên năm 1966, một năm sau khi SEAMEO được thành lập, theo thứ tự luân phiên. Đáng chú ý, SEAMEC lần thứ 48 tổ chức tại Thái Lan tháng 5/2015 đã đưa ra nghị quyết về 7 lĩnh vực ưu tiên, làm cơ sở cho Chương trình nghị sự giáo dục của SEAMEO giai đoạn 2015-2035. Hiện nay các nước thành viên và các trung tâm SEAMEO đều xây dựng định hướng hoạt động, giải pháp trên cơ sở bám sát nghị quyết này. |