Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ là thành viên mới nhất thuộc chính quyền Tổng thống Biden tới Bắc Kinh trong nỗ lực "sưởi ấm" quan hệ Mỹ-Trung. (Nguồn: Bloomberg) |
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc lần lượt trong các tháng 6 và 7.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố trên website chính thức hôm 22/8: “Bộ trưởng Raimondo mong muốn có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng".
Quan hệ Washington và Bắc Kinh thời gian qua rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, trong đó, các biện pháp hạn chế về thương mại mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc là một trong những vấn đề gây mâu thuẫn nhất.
Trong tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ban hành sắc lệnh hạn chế các hoạt động đầu tư từ Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc. Các quy định mới của Mỹ sẽ có hiệu lực từ năm 2024, với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bước tiến mở đường
Các chuyên gia phân tích nhận định, chuyến thăm của bà Raimondo sẽ góp thêm một bước tiến, mở đường cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thành phố San Francisco bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cap Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023.
Tuy nhiên, hành trình của bà Raimondo có phần khác biệt với hành trình của các quan chức Mỹ trước đây. Theo đó, bà sẽ đến Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi bà dự kiến sẽ gặp mặt các quan chức cấp cao của hai thành phố.
Dự kiến, bà Raimondo sẽ có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Thượng Hải và lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải; thăm Đại học New York cơ sở ở Thượng Hải và Disneyland Thượng Hải.
Vốn được xem là thủ đô về thương mại và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Thượng Hải đang quy tụ hơn 1.000 công ty Mỹ làm ăn và kinh doanh tại đây.
Tin liên quan |
'Hụt hơi' về kinh tế, viễn cảnh Trung Quốc đuổi kịp Mỹ vẫn còn xa vời |
“Lịch trình cho thấy chuyến thăm của bà Raimondo nhằm củng cố và duy trì ổn định kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc trước thềm Hội nghị APEC sắp tới”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Chuyến thăm Bắc Kinh của bà Raimondo là cuộc gặp cấp cao thứ tư giữa hai cường quốc trong mùa Hè này, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên về khí hậu John Kerry. Tháng trước, nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger cũng được chào đón nhiệt thành khi ông quay trở lại Bắc Kinh.
Giáo sư Ren Xiao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán, bình luận: “Chuyến thăm của bà Raimondo là sự tiếp nối những cử chỉ cho thấy cả hai bên sẵn sàng tiếp tục liên lạc, điều đó sẽ tốt hơn là không có gì”.
Trong cuộc gặp với bà Raimondo ở Washington hôm 22/8, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong đã nêu các vấn đề đang gây quan ngại và kêu gọi Nhà Trắng thực hiện “hành động thực chất” nhằm giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế, cũng như đưa mối quan hệ song phương về quỹ đạo ổn định.
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng bày tỏ quan ngại về quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi tiếp phái đoàn Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung do Chủ tịch Marc Casper dẫn đầu.
Ông Lý Cường nói: “Hiện tại, quan hệ Trung-Mỹ và hợp tác kinh tế, thương mại đang gặp một số khó khăn, đòi hỏi cả hai bên phải thể hiện sự chân thành… và nỗ lực chung”.
Bài kiểm tra thực tế với Mỹ
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi chậm hơn dự kiến. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 0,8% trong quý II so với quý I - giảm từ mức 2,2% trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc cũng giảm 9,8%, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm của Báo cáo Khảo sát môi trường kinh doanh do AmCham Trung Quốc thực hiện vào đầu năm nay cho thấy, quốc gia Đông Bắc Á này không còn là “ưu tiên đầu tư hàng đầu” của các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Pang Zhongying, Giáo sư ngành Kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô cho biết, chuyến đi của bà Raimondo diễn ra vào thời điểm các doanh nghiệp Mỹ cân nhắc rời Trung Quốc do những lo ngại về căng thẳng chính trị giữa hai nước và triển vọng ảm đạm của kinh tế trong nước.
Chuyên gia này nhận định: “Lựa chọn Thượng Hải, bà Raimondo muốn làm việc với các đại diện doanh nghiệp lớn của Mỹ tại Trung Quốc để tìm hiểu về hoạt động của họ và đưa ra những đánh giá mới về môi trường kinh doanh của quốc gia châu Á”.
Tin liên quan |
Trung Quốc không bao giờ cố tình theo đuổi thặng dư thương mại với Mỹ! |
Trong khi bà Raimondo cũng như nhiều quan chức cấp cao khác của chính quyền Mỹ đều khẳng định, cường quốc số một thế giới chỉ đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” khỏi Trung Quốc trong chuỗi cung ứng - thì Giáo sư Pang nhận định, doanh nghiệp xứ cờ hoa vẫn có thể rời Trung Quốc vì lý do kinh tế.
“Theo một cách nào đó, chuyến đi của bà Raimondo rất có thể là một bài kiểm tra thực tế đối với Mỹ - để chuẩn bị cho một tương lai ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc”, Giáo sư Pang cho hay.
Bà Raimondo được đánh giá là một trong những Bộ trưởng thương mại quyền lực nhất trong lịch sử Mỹ khi bà hiện đang nắm toàn quyền quyết định về chính sách công nghiệp công nghệ cao, các quyết định xuất khẩu và đầu tư mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra.
Chuyến thăm của bà cũng được đánh giá là phù hợp giữa bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tìm lại động lực tăng trưởng trong khi xuất khẩu suy giảm, sản xuất công nghiệp giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp cao đáng báo động sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế.
| Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh mới liên quan đến đầu tư công nghệ tại Trung Quốc, Bắc Kinh bày tỏ 'rất thất vọng' Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm các dự án đầu tư nhất định của nước này ... |
| Trung Quốc phản đối Mỹ triển khai lực lượng an ninh mạng tại các quốc gia láng giềng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/8 tuyên bố phản đối việc Mỹ triển khai lực lượng an ninh mạng ở các nước láng giềng ... |
| NASA cảnh báo về một ‘cuộc đua’ mới trên cực Nam của Mặt Trăng Giám đốc Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson nhận định về một cuộc đua vào không gian mới, trong đó ... |
| Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu về hàng điện tử, công nghệ, Việt Nam sẽ ra sao giữa cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung Quốc? Việt Nam là một quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu về hàng điện tử, công nghệ. Do đó, hành động của ... |
| Bị Mỹ 'siết gọng kìm', Trung Quốc 'tung chiêu mới' thu hút đầu tư nước ngoài Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo ngày 13/8 cơ quan này đã ban hành thông tư hướng dẫn tối ưu hóa môi trường đầu ... |