TIN LIÊN QUAN | |
Thử nghiệm bộ công cụ nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường | |
231 cái tát và câu chuyện ứng xử thầy - trò |
Sau câu chuyện một nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng (Hưng Yên) chưa kịp lắng xuống thì chuyện giáo viên đánh bầm tím chân của 22 học sinh (Bà Rịa – Vũng Tàu) lại nổi lên khiến dư luận bất bình, hoang mang.
Là một chuyên gia tâm lý, ông suy nghĩ thế nào về thực trạng bạo lực học đường ở nước ta hiện nay?
Những sự việc này thực sự đáng buồn và lo lắng. Sự hung hăng của con người có biểu hiện gia tăng khi trên mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều video giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng bạo lực. Đó là biểu hiện của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người.
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM. (Ảnh: NVCC) |
Sự hung hăng làm cho con người dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, kéo theo đó là một chuỗi hệ lụy về văn hóa. Tôi muốn nhìn từ góc nhìn văn hóa thay vì đổ lỗi cho giáo dục. Chính sự hạn chế về các cách cư xử, văn hóa của một bộ phận có nhiều vấn đề, có biểu hiện bạo hành dẫn đến bạo lực học đường xảy ra là điều dễ hiểu.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2010 đến nay đã có tới 7735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Vậy làm sao để “tuyên chiến” với bạo lực học đường, thưa ông?
Vấn đề lúc này không phải chỉ là “kê toa” mà phải “bốc thuốc” tinh thần, “cấp thuốc” xã hội. Trong đó, việc giải quyết căn cơ phải bắt nguồn từ văn hóa và giá trị. Bởi con người cần được xác lập một chuẩn mực sống và chọn lựa giá trị sống. Chính kiểu nghĩ ngắn, kiểu vô tư và nuông chiều cảm xúc sẽ làm cho nhiều trẻ không ứng xử đúng. Ở đây, chúng ta cần xác lập văn hóa sống, văn hóa ứng xử mới mong bạo lực học đường có thể giảm đáng kể.
Cùng với đó, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, những giải pháp mang tính mô hình có thể khả thi. Đó là các biện pháp tác động về mặt truyền thông, kiến thức và kỹ năng có liên quan đến tình trạng bạo lực học đường. Các biện pháp được thực hiện đồng bộ bởi nhà trường, gia đình và xã hội nhằm khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông. Những kiến thức nền tảng, những thao tác cơ bản hình thành hay tạo nên kỹ năng xử lý chủ động trước những tình huống có liên quan đến bạo lực học đường phù hợp với điều kiện thực tiễn giáo dục và sự tiếp nhận của học sinh.
Rõ ràng, kỹ năng, kiến thức để các em tự phòng tránh tiêu cực ngoài xã hội vẫn còn nhiều khoảng trống?
Tôi cho rằng đây chính là vấn đề trọng tâm. Ngay cả việc tích hợp giáo dục kỹ năng sống hay dạy kỹ năng sống chuyên biệt như hiện tại cũng chưa đảm bảo kỹ năng, kiến thức để các em tự phòng tránh tiêu cực ngoài xã hội.
Dù cho việc trang bị kỹ năng chưa phải là giải pháp hoàn hảo hay toàn diện nhưng vẫn phải đảm bảo việc học sinh có thể tự xử lý khi không may bị rơi vào tình huống nguy hiểm. Hiệu quả của việc trang bị kỹ năng sống hiện nay chưa thể làm chúng ta an tâm, bởi vấn đề chính là người học phải có khả năng, bản lĩnh để đối phó, thích ứng với cuộc sống.
Hiện nay, trẻ rất dễ tìm kiếm những hình ảnh, video bạo lực ngay trên mạng xã hội. Có phải đây là mảnh đất màu mỡ cho bạo lực sinh sôi nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía gia đình?
Tôi rất thích câu hỏi này bởi đó là góc nhìn từ văn hóa và sự tác động giáo dục từ văn hóa. Thử hỏi chính người lớn vẫn bị thu hút, bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội và internet, điện thoại thì sao dám mong trẻ em không bị tác động?
Điều gì sẽ xảy ra nếu học sinh quá dễ dàng tìm kiếm những hình ảnh, video clip bạo lực? Vấn đề là ai sẽ kiểm soát các kênh truyền thông này? Và thực tế những kênh đó đã, đang có tác động mạnh mẽ đến với đời sống tâm lý, hành vi của học sinh.
Vậy ý thức và sự quan tâm của xã hội đóng vai trò ra sao trong chính sách phòng chống bạo lực hiệu quả, thưa ông?
Về phía gia đình, trẻ cần được sống, được lớn lên trong một mái ấm đúng nghĩa. Nếu đó là không khí nặng nề với “đĩa bay – chén bay” của cha mẹ thì sao có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực từ rất sớm? Trong khi đó, suy nghĩ “thương cho roi cho vọt” vẫn còn tồn tại, để rồi nguy cơ “bạo lực từ trong trứng nước” vô tình được nuôi dưỡng.
Về mặt xã hội, khi những hành vi ứng xử giữa người với người nhuốm màu sắc bạo lực, thử hỏi làm sao trẻ em không bị ảnh hưởng? Đó là chưa kể mạng xã hội đang vô tình tiếp tay cho giá trị ảo, cho những hình ảnh bạo lực.
Cùng với đó, truyền thông, báo chí phản ánh về một số hành vi tiêu cực trong học đường giữa thầy cô với học trò, thiếu thái độ tôn sư trọng đạo, bạo lực giữa học sinh với học sinh… Nhưng liệu rằng chúng ta đã thực sự chú ý đến cái gốc, đến căn nguyên của vấn đề hay chưa? Điều quan trọng là chúng ta phản ánh nhưng nếu truyền thông không cẩn trọng sẽ dễ dẫn đến những hậu quả ngược.
Cần lắm trách nhiệm trong những bài viết, từ tiêu đề bài viết đến từng con chữ. Và giải pháp truyền tải phải sát thực và khả thi chứ không phải chỉ là phê bình hay quy trách nhiệm. Khi yếu tố truyền thông chưa được định hướng, phân tích rốt ráo với bộ lọc văn hóa, chắc chắn khó tránh khỏi nguy cơ trực tiếp hay gián tiếp khiến cho vấn đề bạo lực trở nên trầm trọng hơn.
Xin cảm ơn ông!
| Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách? Bày tỏ quan điểm về xử phạt hành chính đối với giáo viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực ... |
| Bạo hành học trò - Nỗi đau không nói nên lời PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một số giáo viên đang ... |
| Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Cần cân nhắc đến quyền lợi của trẻ trước Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam (Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) ... |