TIN LIÊN QUAN | |
FED không vội tăng lãi suất sau Brexit | |
Đồng Bảng Anh rơi vào nhóm tiền tệ rủi ro cao |
Cơ hội trước mắt, nguy cơ tiềm ẩn
Trao đổi thương mại hai chiều giữa Singapore và Anh không nhiều, chỉ đạt 4,94 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2016. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 22 của Singapore. Singapore xuất khẩu sang Anh chưa tới 1% tổng số hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 2% tổng số hàng hóa nhập khẩu. Trong ngắn hạn, việc Anh rời EU không tác động trực tiếp quá lớn đến kinh tế Singapore.
Thậm chí, Brexit đem đến cơ hội cho Singapore. Đồng Bảng Anh trượt giá là cơ hội để các công ty, doanh nghiệp nhập khẩu của Singapore tranh thủ mua máy móc, trang thiết bị và hàng hóa từ Anh. Đây còn là thời cơ tốt để các công ty Singapore mở rộng phát triển sang thị trường Anh.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà kinh tế e ngại là việc Singapore sẽ phải gánh chịu tác động trong dài hạn khi các công ty của Anh thu hẹp quy mô và kinh tế EU phát triển chậm lại. Đồng Bảng Anh mất giá khiến các công ty của Anh cân nhắc lại các hoạt động của mình ở nước ngoài. Các công ty của Anh có thể giảm quy mô hoặc trì hoãn các khoản đầu tư vào các nhà máy, các trang thiết bị hoặc mở rộng sản xuất tại Singapore vì chi phí lao động tại nước này tăng cao. Nếu điều đó xảy ra, toàn bộ nền kinh tế đảo quốc sư tử sẽ bị ảnh hưởng.
Thêm nữa, điều Singapore lo ngại nhất trong dài hạn là liệu còn thành viên EU nào khác sẽ theo bước Anh hay không. Các cuộc thăm dò thời gian gần đây cho thấy tỉ lệ cử tri Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Pháp ủng hộ ra khỏi EU còn cao hơn ở Anh. Nếu điều này xảy ra, EU sẽ đứng trước nguy cơ tan rã và có tác động lớn tới kinh tế toàn cầu. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Singapore. Năm 2015, EU nhập của Singapore 18,9 tỷ Euro (tương đương 28,3 tỷ USD) và xuất vào Singapore 29,7 tỷ Euro. Đồng thời, EU còn là nguồn cấp vốn FDI quan trọng của Singapore (chiếm 31% vốn FDI vào Singapore năm 2014).
Bất ổn tâm lý cản trở đầu tư
Các chuyên gia kinh tế Indonesia cho rằng, Brexit sẽ không tác động trực tiếp đến nền kinh tế Indonesia mà chính những bất ổn toàn cầu sẽ làm tăng những hiểm họa Indonesia đang phải đối mặt.
Năm 2015, xuất khẩu của Indonesia vào Anh là 1,5 tỷ USD, chỉ chiếm 1% tổng sản lượng xuất khẩu của Indonesia. Thương mại hai chiều Indonesia - Anh chỉ đạt 2,3 tỷ USD, kém xa thương mại hai chiều của Indonesia với Nhật (đạt 31 tỷ USD) và Mỹ (đạt 24 tỷ USD).
Điều khiến Indonesia e ngại là tác động của Brexit đối với các đối tác thương mại của Indonesia như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc... Anh là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là đối tác thương mại số một của EU, kinh tế Anh suy giảm sẽ làm giảm tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới. Kinh tế EU vốn đã có tốc độ tăng trưởng thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao, tỉ lệ nợ cao và bị ảnh hưởng lớn bởi số dân nhập cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi sẽ càng điêu đứng bởi Brexit.
Năm tháng đầu năm 2016, xuất khẩu phi dầu của Indonesia vào EU đạt 5,8 tỷ USD (chiếm 11% tổng sản lượng xuất khẩu phi dầu). EU là đối tác lớn thứ hai của Indonesia, sau Mỹ. Nếu kinh tế EU "đình trệ" sau Brexit thì việc xuất khẩu của Indonesia (chủ yếu là hàng hóa) vào EU cũng bị ảnh hưởng. Tốc độ phát triển kinh tế suy giảm khiến triển vọng phục hồi giá các mặt hàng trở nên xa vời.
Thị trường tài chính và chứng khoán của thế giới lao dốc khiến các nhà đầu tư bất an, có tâm lý theo dõi và muốn gửi tiền đầu tư ở những nước an toàn. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với chính quyền Tổng thống Joko Widodo là đánh giá tác động của tình hình hiện nay tới đầu tư vào Indonesia và có các biện pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư cho Indonesia.
Cánh cửa cho đàm phán thương mại
Tác động trực tiếp của Brexit đối với kinh tế Thái Lan là không đáng kể. Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan Chen Namchaisiri chia sẻ “chúng tôi không thấy bất kỳ tác động trực tiếp nào đến kinh tế Thái Lan sau Brexit do giá trị thương mại và đầu tư song phương vẫn còn nhỏ".
Tương tự như đối với Singapore, một số nhà đầu tư Thái Lan thậm chí còn nhập khẩu được máy móc từ Anh do giá rẻ hơn nhờ đồng Bảng Anh mất giá. Thương mại hai chiều Thái Lan - Anh và Thái Lan - EU chỉ chiếm lần lượt 2% và 10% trong tổng giá trị thương mại của Thái.
Bên cạnh đó, Thái Lan vốn đang bế tắc trong đàm phán FTA với EU do ảnh hưởng của hành động quân sự hôm 22/5/2014. Tháng 6/2015, EU đã tuyên bố Liên minh này sẽ hoãn việc ký kết các hiệp định với Thái Lan nếu nước này không quay lại đường lối dân chủ hơn. Bởi vậy, Thái Lan kỳ vọng Brexit sẽ mang đến cơ hội để nước này ký kết được các hiệp định tự do thương mại với Anh và EU. Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Sirinart Chaimun cho biết, sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ tự do hơn trong việc quyết định các chính sách của mình. Nếu Anh muốn đề xuất một gói thương mại tự do song phương với Thái Lan thì hai bên có thể tiến hành đàm phán ngay lập tức mà không cần chờ EU đồng ý.
Chủ tịch Hội đồng Vận chuyển Quốc gia Thái Nopporn Thesithar nói, về dài hạn, các cuộc đàm phán thương mại quốc tế của Thái Lan với Anh và EU có thể trở nên dễ dàng hơn khi sự ra đi của Anh có thể khiến EU bỏ bớt những quy định cứng nhắc của mình trong các cuộc đàm phán.
Tác động về kinh tế của Brexit là không nhỏ song cũng không quá mức trầm trọng như lo ngại của nhiều người. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý không có nghĩa Anh sẽ lập tức rời khỏi EU; và những thỏa thuận thương mại của Anh với EU sẽ không thay đổi trong ít nhất là 2 năm tới. Do vậy, các nước ASEAN có đủ thời gian để nghiên cứu các tác động của Brexit trong trung và dài hạn để đưa ra những giải pháp đối phó kịp thời.
Brexit ảnh hưởng đến chương trình mua sắm vũ khí của Anh Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về An ninh – Quốc phòng (RUSI) hôm 6/7. |
Hậu Brexit: Nỗi buồn “đảo ngọc” Ireland Việc Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hai miền “đảo ngọc” Ireland. |
Brexit – Sự kết thúc của toàn cầu hóa? Với sự kiện Brexit, đã đến lúc xem lại cái giá của toàn cầu hóa đối với không chỉ các quốc gia mà còn với ... |