Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành (phải) trình Quốc thư lên Tổng thống Ấn Độ. |
Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm?
Đây là chuyến thăm lần thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tháng 7/2007. Chuyến thăm lần này sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tình hình mới, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Quan hệ hai nước đang ở thời điểm phát triển mạnh mẽ, các mối quan hệ lịch sử cùng với sự hội tụ về lợi ích chiến lược đang mở rộng, làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Chuyến thăm này sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn phát triển lên một tầm cao mới, tạo ra nhiều đột phá, nhất là về kinh tế để phát huy hết tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước.
Những chuyến thăm cấp cao diễn ra với mật độ cao giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian gần đây nói lên điều gì về quan hệ giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Việc hai nước trao đổi ba chuyến thăm cấp cao trong thời gian ngắn gần đây cho thấy tầm quan trọng của các chuyến thăm cấp cao đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước và khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam và Ấn Độ. Hiện còn rất nhiều việc phải làm để đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước đi vào chiều sâu, phát triển thực chất và toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật đến văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và hợp tác khu vực và đa phương. Các chuyến thăm cấp cao sẽ không chỉ là cơ hội để lãnh đạo hai nước định hình những khuôn khổ hợp tác mới, quyết định những cơ chế hợp tác mới và đạt được những thỏa thuận mới, mà còn để chỉ đạo các Bộ, Ban ngành hai nước tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác và đôn đốc triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Theo Đại sứ, cần phải làm gì để thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Ấn Độ, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư?
Để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam và Ấn Độ, tôi cho rằng cần duy trì các chuyến thăm cấp cao, trao đổi thường xuyên ở tất cả các cấp bao gồm Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp, giao lưu nhân dân. Cần khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên Chính phủ, Tham khảo chính trị và Đối thoại chiến lược, Đối thoại an ninh và các cơ chế đối thoại khác giữa hai nước. Cần thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhằm mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương.
Nhưng trước hết, cần tạo chuyển biến nhận thức một cách mạnh mẽ và thực sự của mọi ngành mọi cấp trong Chính phủ và nhân dân cũng như doanh nghiệp nước ta về tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Việt - Ấn. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giao lưu giữa hai nước, để người Việt Nam hiểu hơn về một đất nước Ấn Độ với bề dày văn minh, lịch sử và văn hóa của nhân loại, là quê hương của Phật giáo và điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn; về sự liên kết, hội tụ về tinh thần, tín ngưỡng giữa hai nước từ hàng ngàn năm nay. Cần hiểu rằng Ấn Độ ngày nay là một thị trường lớn với hơn 300 triệu người trung lưu, là cường quốc phần mềm và kinh tế tri thức với nền khoa học phát triển, khả năng tự chủ về chính sách đối ngoại, quốc phòng an ninh và kinh tế xã hội. Ấn Độ đang có một Chính phủ mạnh và đẩy mạnh chính sách hướng Đông mà Việt Nam là một trụ cột quan trọng. Tiềm năng hợp tác với Ấn Độ là rất lớn nhưng chưa được khai thác.
Hợp tác kinh tế là nền tảng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Tôi tin tưởng rằng hai nước sẽ không khó khăn để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 mà cao hơn nữa. Tuy vậy, đã đến lúc Chính phủ hai nước cần hỗ trợ thật tích cực cho doanh nghiệp hai nước làm ăn với nhau thông qua các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi... Hai nước cần tăng cường kết nối về đường bộ, đường không, hàng hải, kết nối về dịch vụ tài chính-ngân hàng; tăng cường thông tin quảng bá về mỗi nước, giúp hiểu biết lẫn nhau để làm giảm đi khoảng cách và sự khác biệt về văn hóa, bao gồm cả ngôn ngữ đối với các doanh nghiệp và người dân hai nước. Hiện các doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ rất quan tâm và mong muốn tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam và Ấn Độ cũng mong muốn đạt được các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong quan hệ song phương như nông nghiệp, dệt may và du lịch. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu một số hàng hoá mà Ấn Độ có thế mạnh, xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng mà phía Bạn có nhu cầu. Hai bên cũng cần mở rộng qui mô hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và kỹ thuật, vũ trụ và các lĩnh vực khác.
Theo Đại sứ, triển vọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới như thế nào, đặc biệt sau khi ASEAN hình thành cộng đồng sau 2015?
Với việc hình thành cộng đồng sau năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một lực lượng chính trị, ngoại giao và kinh tế đáng kể mà Chính sách hướng đông của Ấn Độ nhắm tới nhằm phục vụ mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh trọng tâm kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về châu Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với triển vọng quan hệ Việt - Ấn ngày càng được đẩy mạnh và Việt Nam ngày càng đóng vai trò tích cực trong ASEAN, Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội và thuận lợi thông qua “đầu cầu Việt Nam” để hợp tác sâu, rộng hơn với ASEAN, đồng thời Việt Nam có thể đóng vai trò là cầu nối cho hợp tác giữa ASEAN với Ấn Độ, giúp tăng cường vai trò, vị trí và tiếng nói của Ấn Độ tại khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Là Đại sứ mới nhận nhiệm kỳ tại Ấn Độ, ông có dự định hay kế hoạch nào để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Ấn Độ?
Tôi trở lại Ấn Độ trên cương vị Đại sứ khi mùa thu đang về trên đất nước này, mang theo những làn gió mát thật dễ chịu, nhưng vẫn phảng phất hơi ấm còn lại của mùa hè nơi đây. Tôi tới đây trong bối cảnh tình hình hai nước cũng đã đổi thay rất nhiều, vị thế chính trị, ngoại giao và kinh tế của Việt Nam đã được nâng cao đáng kể so với trước đây, còn Ấn Độ thì đang chuyển mình mạnh mẽ với một ê-kíp lãnh đạo mới rất năng động, và quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển sôi động chưa từng thấy.
Tôi có nhiều dự định trong nhiệm kỳ của mình tại Ấn Độ, trong đó có kế hoạch triển khai mạnh hơn nữa Ngoại giao văn hóa, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam tại đất nước này. Đại sứ quán sẽ tiến hành “road show” tại các bang, các thành phố lớn của Ấn Độ để giới thiệu Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về du lịch và đầu tư, với những kỳ quan thiên nhiên và văn hóa trên thế giới, những con đường di sản, những điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông-Tây, những dấu ấn của văn hóa Ấn Độ tại khu di tích Mỹ Sơn và miền Trung Việt Nam. Đại sứ quán sẽ thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại New Delhi, các trung tâm Việt Nam học tại các trường đại học của Ấn Độ và các Góc Việt Nam tại các thư viện của Ấn Độ. Đại sứ quán cũng sẽ tranh thủ mọi cơ hội để thúc đẩy trao đổi các đoàn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm tranh, ảnh...
Nhân đây cũng xin thông báo ngày 5/11 tới đây hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways sẽ khai trương các đường bay thẳng từ Thủ đô New Delhi và Thành phố Mumbai đi TP. Hồ Chí Minh có dừng chân tại Bangkok, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn (1 giờ đồng hồ). Hàng không Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở đường bay tới Ấn Độ trong năm tới. Tôi cho rằng đây là những cơ hội rất tốt cho việc tăng cường giao lưu, du lịch và quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
Kim Chung (thực hiện)
Quan hệ chưa bao giờ tốt hơn "Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam chưa bao giờ tốt hơn hiện nay. Hiệp định Đối tác chiến lược giữa hai bên, được ký vào năm 2007, hiện đang bước vào năm triển khai thứ tám. Quan hệ hai bên đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mối quan hệ đó được đánh dấu bằng sự tin tưởng, hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau một cách mạnh mẽ, cộng với sự hội tụ quan điểm trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Có được điều này là do tình bằng hữu giữa các nhà lãnh đạo ở cả hai nước. Nền móng quan hệ mà Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và mang lại những thành tựu như ngày hôm nay. Tôi tin tưởng rằng thiện chí của cả hai sẽ biến thành sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Tôi thực sự nhìn thấy tiềm năng to lớn về triển vọng tương lai của mối quan hệ này, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế và thương mại. Hai bên đã xác định công nghệ thông tin, hàng may mặc và dệt may, du lịch, dược phẩm, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng là các lĩnh vực tăng trưởng tương lai và chúng ta sẽ tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực này." (Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran) |