Sau nâng cấp quan hệ, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.(Nguồn: Reuters) |
Sau dấu mốc tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, từ các chuyến thăm cấp cao, duy trì hoạt động ngoại giao, chính trị đến đầu tư kinh tế, tài trợ phát triển nhân lực và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Ngày 25/3, tại Washington D.C, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Antony Blinken đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ nhất. Hai bên điểm lại tiến triển sau nâng cấp quan hệ; thảo luận những ưu tiên chung ở khu vực và các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt như, duy trì quan hệ chính trị thiết thực; đẩy mạnh đầu tư kinh tế, hợp tác khoa học, công nghệ; mở rộng hợp tác giáo dục, văn hóa; vun đắp giao lưu nhân dân; củng cố quan hệ của cộng đồng doanh nghiệp; thúc đẩy an ninh thông qua tăng cường hợp tác, đối phó với các thách thức...
Hai Bộ trưởng khẳng định, 6 tháng sau nâng cấp quan hệ, hợp tác song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chín tháng sau (25/6), tại Washington D.C, Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức Đối thoại Kinh tế lần đầu tiên, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai bên trao đổi thẳng thắn về giải pháp hợp tác trong các nội dung quan trọng, lĩnh vực mũi nhọn như xây dựng hệ sinh thái chất bán dẫn, kinh tế kỹ thuật số, năng lượng, khoáng sản, an ninh mạng, cơ sở thông tin, truyền thông, an ninh kinh tế, tài chính, thu hút đầu tư chất lượng cao, kiểm soát xuất khẩu chiến lược.
Đối thoại đạt được các kết quả cụ thể, tạo tiền đề mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc), kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 111 tỷ USD và năm 2024 nhiều khả năng vượt mốc này. Chất bán dẫn là một lĩnh vực mũi nhọn, lưỡng dụng mà Hoa Kỳ hạn chế hợp tác với nhiều nước khác, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước.
Nói như Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez, “chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bền chặt chưa từng có”.
Tại cuộc tiếp xúc báo chí trong chuyến thăm Hà Nội ngày 21/6, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink khẳng định, “niềm tin chiến lược đang ở mức cao nhất mọi thời đại” và “chúng tôi hoàn toàn đầu tư vào sự thành công của Việt Nam”. Ông Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, Hoa Kỳ “rất tôn trọng Việt Nam và nhắc lại cam kết ủng hộ "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Trong bối cảnh các nước lớn ngày càng tăng cường hợp tác, can dự và cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, tính toán của Mỹ cũng như các nước lớn khác, trong quan hệ với Việt Nam là chuyện thường tình. Việt Nam nhất quán quan điểm không liên kết với nước này chống lại nước kia, trên mọi lĩnh vực. Chúng ta phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ nhằm khai thác những điểm đồng lợi ích, trong đó có kinh tế, khoa học, công nghệ, lĩnh vực Hoa Kỳ có vai trò dẫn dắt, định hướng thế giới; nhưng quan hệ đó không cản trở các mối quan hệ khác. Việt Nam coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc của mình, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, thế giới.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; trường phái ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” và tiềm lực, vị thế ngày càng tăng của đất nước là nền tảng để Việt Nam duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn, phát huy mặt tích cực, hóa giải tác động trái chiều. Lịch sử, truyền thống ngoại giao Việt Nam, đặc biệt những sự kiện ngoại giao nổi bật 9 tháng qua khẳng định chân lý đó. Đó cũng chính là lý do để Việt Nam ngày càng có sức hút trên trường quốc tế, được nhiều nước lớn coi trọng.