Các đại biểu tham dự Vòng đám phán đầu tiên hướng tới thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác. |
Một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh (11/2012) là tuyên bố của 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) về việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), hướng tới xây dựng một khu vực thương mại tự do rộng lớn.
Nếu thành công, các quốc gia trong khối RCEP sẽ cam kết tự do hóa gần hết 100% thương mại, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Ở tầm nhìn lớn hơn, người ta hy vọng rằng, cơ chế hợp tác mới này cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do ba bên Trung-Nhật-Hàn (CJK FTA) có thể góp phần đẩy nhanh tốc độ của đoàn tàu tự do hóa thương mại đang “giảm tốc” tại châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Thành công bước đầu
Trong Tuyên bố chung về vòng đàm phán đầu tiên giữa các thành viên ASEAN với 6 đối tác về RCEP tại Brunei vừa qua, các bên bày tỏ quyết tâm hoàn thành RCEP vào cuối năm 2015.
Mục tiêu của các cuộc đàm phán RCEP đặt ra là đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, thiết lập một môi trường thương mại và đầu tư mở để tạo điều kiện mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế công bằng, tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng và làm sâu sắc hơn hội nhập trong khu vực thông qua RCEP được xây dựng trên cơ sở các mối liên kết kinh tế hiện tại của ASEAN+6.
Tuyên bố chung nêu rõ các cuộc đàm phán RCEP thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực và lợi ích của các đối tác FTA của ASEAN trong hỗ trợ và đóng góp vào hội nhập kinh tế, phát triển kinh tế công bằng và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia. RCEP sẽ có sự tham gia sâu rộng hơn với những cải thiện đáng kể so với các FTA ASEAN+1 hiện có. Trong khi công nhận hoàn cảnh và tính đa dạng của các nước tham gia. RCEP sẽ bao gồm các quy định để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nâng cao tính minh bạch trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa các thành viên, cũng như tạo điều kiện cho sự gắn kết của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Xét mức độ phát triển khác nhau của các nước tham gia, RCEP sẽ áp dụng các hình thức linh hoạt thích hợp, bao gồm đối xử đặc biệt và khác biệt, cộng với sự linh hoạt bổ sung cho các nước thành viên ASEAN kém phát triển, phù hợp với các FTA ASEAN+1.
Thoát khỏi “hội chứng bát mì”
Trước khi xây dựng RCEP, các nước Đông Á đã bắt đầu bằng một loạt các thỏa thuận khu vực với Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào có sự tham gia đầy đủ và đồng thời của ASEAN và 6 nước đối tác, chủ yếu do sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi mỗi nước ưu tiên một thỏa thuận hợp tác thương mại khác nhau với ASEAN.
RCEP nhằm mục đích cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại ASEAN +1 đã ký kết bằng cách tích hợp chúng vào một gói toàn diện và cũng đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Lợi ích tiềm năng từ những thỏa thuận hợp tác thương mại như vậy rất lớn, theo một số tính toán có thể nhiều gấp 3 lần so với những lợi ích có thể có từ sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Quan trọng hơn, một thỏa thuận như vậy có khả năng làm giảm sự phức tạp của tình hình hiện nay, khi đang có nhiều FTA/EPA giữa ASEAN và các đối tác, chưa kể một số hiệp định song phương giữa các thành viên ASEAN riêng biệt và các đối tác của họ.
Việc có hàng chục thỏa thuận ưu đãi thương mại chồng chéo trong khu vực đã dẫn đến tình trạng gia tăng cái gọi là “Hội chứng bát mì”, làm giảm những lợi ích tiềm năng từ hội nhập kinh tế quốc tế, khi lĩnh vực kinh doanh phải chú ý đến các quy tắc khác nhau của các FTA khác nhau, đồng thời cũng làm tăng chi phí cho việc có được các ưu đãi.
Bởi vậy, trong tương lai, RCEP có thể trở thành chất xúc tác cho các sáng kiến hội nhập khu vực hài hòa hơn, với quan hệ đối tác kinh tế được xây dựng trên những thực tiễn tốt nhất hiện có của các FTA ASEAN +1. Vai trò trung tâm của ASEAN đưa đến một cơ hội tốt hơn cho các quốc gia tìm kiếm nền tảng chung cho hội nhập khu vực.
RCEP được nhìn nhận là một trong những con đường hướng đến việc hình thành một khu vực thương mại tự do toàn khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, cùng với các sáng kiến khác như TPP và CJK FTA. Với sự tham gia của 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm khoảng 1/3 thương mại và GDP toàn cầu, RCEP sẽ là một hiệp định thương mại tự do khổng lồ, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất ngoài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây đang gặp khó khăn.
Tương lai sáng của RCEP
Các cuộc thương lượng RCEP phải hoàn tất trước cuối năm 2015. Song việc đạt được một thỏa thuận có chất lượng cao nhằm tự do hóa hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa 16 nước với những nền tảng đa dạng sẽ là một thách thức lớn. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều thách thức đối với ASEAN trong việc đóng vai trò quan trọng trong RCEP mà trước hết là cam kết của các thành viên với tiến trình hội nhập, cả nội bộ ASEAN hay với các đối tác.
RCEP hấp dẫn nhưng các lãnh đạo các nước đối tác còn lo ngại về những tranh chấp về chủ quyền biển đảo đang hồi “nóng bỏng” sẽ cản trở các đàm phán thương mại. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng chỉ ra một trở ngại không nhỏ đối với việc hoàn thành RCEP là sự hiện diện của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng. Hai cơ chế thương mại khu vực cùng có những mục tiêu khá giống nhau là tự do hóa thương mại và hợp nhất kinh tế, song sự cạnh tranh giữa hai hiệp định kinh tế này có tiềm năng chia rẽ các quốc gia trong ASEAN. RCEP không có sự hiện diện của Hoa Kỳ, trong khi đó, TPP không có sự tham gia của Trung Quốc, đã cho thấy rõ sự ganh tị giữa hai cường quốc trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng.
Tuy nhiên, RCEP có tiến trình phát triển hết sức nhanh chóng, trước hết là do 11 năm qua, đàm phán vòng Doha luôn bế tắc nên nhiều nền kinh tế mong muốn tìm kiếm một kênh mới qua mở cửa lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính quốc tế đến nay, thị trường toàn cầu luôn rơi vào cảnh ảm đạm. Theo WTO, mức tăng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2012 chỉ còn lại 3,7%. Bởi vậy, thương mại dịch vụ dần dần trở thành biện pháp quan trọng nhằm cải thiện tình hình thu chi quốc tế và nâng cao vị thế phân công của các nước trên thế giới. Các nước đều tìm kiếm điểm tăng trưởng thương mại mới, vì vậy, thương mại dịch vụ ngày càng được quan tâm rộng khắp
Những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra hết sức suôn sẻ, RCEP do các nước châu Á-Thái Bình Dương chủ đạo có ưu thế bổ sung rất mạnh cả về địa chính trị và kinh tế khu vực. Xét đến lợi ích lâu dài, RCEP mang lại cho hợp tác kinh tế thương mại "10+6", cũng như phát huy vai trò tích cực đối với hội nhập kinh tế khu vực. Xét về hiện tại, đàm phán RCEP do các nước châu Á-Thái Bình Dương làm chủ có cơ sở vững chắc hơn, quyền lợi bình đẳng hơn, lợi ích thực tế hơn, dễ thao tác hơn và tương lai phát triển sáng sủa hơn so với đàm phán TPP.
Thực tế không có cuộc đàm phán thương mại nào diễn ra lại dễ dàng, đã có rất nhiều bài học trên thế giới chứng minh cho điều này. Nhưng RCEP đang được thừa hưởng nhiều lợi thế, để người ta có thể tin rằng RCEP sẽ trở thành hiện thực vào 2015.
Ngoài ra còn sự hợp tác sẵn có giữa ASEAN với các nước đối tác chính là một điểm cộng để có thể giúp các cuộc đàm phán RCEP trở nên suôn sẻ hơn.
Minh Anh
Vì sao RCEP lại khiến thế giới phải lưu tâm? Với ASEAN và 6 nền kinh tế lớn của thế giới gồm 3 của Đông Á, 2 của châu Đại Dương, cùng Ấn Độ, RCEP sẽ kiến tạo khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới chiếm một nửa dân số toàn cầu. Nếu RCEP thành công, rõ ràng, vị thế của ASEAN sẽ thành trung tâm của thương mại thế giới. (EastASIA forum) Vì đâu? ASEAN có thể đóng một vai trò trung tâm trong một khối thương mại tự do rộng lớn nhất hành tinh? Bởi ASEAN đã có sẵn một nền tảng hợp tác khu vực. ASEAN lại có sẵn các Hiệp định thương mại tự do FTA riêng với các nước ngoài khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP là một sáng kiến của ASEAN nhằm tập hợp tất cả các FTA này thành một hiệp định kinh tế khu vực thống nhất. (Jakarta Post) CÁI LỢI CỦA RCEP LÀ GÌ? Thử tưởng tượng một sản phẩm trong tương lai sẽ được làm 10% từ Nhật Bản, 5% từ Ấn Độ, 15% từ Australia và trở thành một sản phẩm cuối cùng tại Thái Lan hay Brunei, sản phẩm đó vẫn mang xuất xứ chung từ RCEP. Đó sẽ là nền tảng lớn để các quốc gia tận dụng tối đa lợi thế thương mại lẫn nhau. RCEP từ đó cũng sẽ tạo thuận lợi cho dòng chảy đầu tư vào ASEAN và các đối tác. (Brunei Times) |