Hậu rút quân khỏi Afghanistan: Tướng quân đội cùng tư lệnh Quốc phòng Mỹ điều trần, thừa nhận 'tính toán sai lầm'. (Nguồn: Reuters) |
Từ Trung Quốc…
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm các chi tiết xung quanh cuộc gọi của Đại tướng Milley với người đồng cấp Trung Quốc, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc Lý Tác Thành ngày 30/10/2020, bốn ngày trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ và ngày 8/1, hai ngày sau vụ bạo loạn đồi Capital.
Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 28/9, Tướng Milley xác nhận đã thực hiện hai cuộc gọi với Tướng Lý nhằm trấn an về tình hình tại Mỹ, khẳng định Washington sẽ không tấn công Bắc Kinh và ngay cả khi điều đó xảy ra, ông sẽ báo trước cho các quan chức Trung Quốc.
Người Phát ngôn của Tướng Milley khẳng định hai cuộc điện đàm này là “phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm, trấn an để duy trì ổn định chiến lược” và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đã ủy quyền để ông truyền tải trực tiếp thông điệp “không tấn công Trung Quốc” tới Bắc Kinh.
Song đây không phải là hành động gây tranh cãi duy nhất của vị tướng Mỹ dưới thời ông Trump.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mark Milley không phủ nhận đã yêu cầu sĩ quan cấp dưới hỏi ý kiến mình một khi ông Donald Trump ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân.
Đây là một mệnh lệnh không có cơ sở pháp lý. Theo luật, khi Tổng thống cung cấp mã xác minh cho Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia (NMCC) tại Lầu Năm Góc, ông chủ Nhà Trắng có thể ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân và không ai có thể ngăn hành động này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ chỉ là cố vấn Tổng thống và không phải chỉ huy trong trường hợp này.
Những thông tin này nhanh chóng làm nước Mỹ dậy sóng. Các nghị sĩ đảng Dân chủ, dù từng cảm ơn Tướng Milley vì đã can thiệp để loại trừ nguy cơ xảy ra thảm họa quân sự dưới thời ông Trump, cũng lo ngại hành động này có thể ảnh hưởng cán cân quyền lực giữa lãnh đạo quân sự và dân sự trong quân đội Mỹ.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã yêu cầu ông Milley từ chức. Thậm chí, cựu Tổng thống Donald Trump gọi hành động của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ là phản quốc vì đã “bí mật” liên hệ với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định ông chưa bao giờ có ý định tấn công Trung Quốc.
Thành viên cấp cao của NMCC, bà Katherine Kuzminki cho rằng mệnh lệnh về vũ khí hạt nhân của Tướng Mark Milley vi phạm quy chế, tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống an ninh và chức danh Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ mà ông đang nắm giữ.
Giám đốc chính sách tại tổ chức Plowshares Fund, ông Tom Collina cho rằng ông Milley “đã làm điều đúng đắn trong hoàn cảnh bắt buộc”, song tạo ra một “tiền lệ khủng khiếp” và vi phạm ranh giới giữa chính quyền dân sự và quân sự, điều đã được quy định rõ ràng từ những năm 1945.
…tới Afghanistan
Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở Trung Quốc và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong phiên điều trần ngày 28/9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, Đại tướng Mark Milley cũng tiết lộ một số chi tiết đáng chú ý về chiến dịch rút quân và di tản tại Afghanistan.
Theo đó, ông cùng quan chức Lầu Năm góc đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Joe Biden giữ lại 2.500 binh sỹ tại Afghanistan, lo ngại rằng Kabul sẽ sớm thất thủ một khi lính Mỹ rút hoàn toàn. Tướng Mark Milley khẳng định ông cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho ông Donald Trump. Kết quả là Kabul thất thủ, Washington rút quân trong vội vàng, phó mặc số phận hàng nghìn công dân Afghanistan và các nước khác vào tay của Taliban.
Vì thế, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ nhận định rằng chiến dịch di tản ở Kabul kết thúc tháng trước là một “thành công về hậu cần nhưng thất bại về chiến lược”.
Khi Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa Tom Cotton hỏi tại sao không từ chức sau khi Tổng thống Joe Biden từ chối lắng nghe lời khuyên của mình, Tướng Mark Milley cho rằng việc của ông không phải là suy nghĩ xem “mệnh lệnh nào nên làm và không nên làm”. Khi Tổng thống đã quyết định, những người lính, dù có là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, đều có trách nhiệm tuân thủ, dù có phải bỏ mình khi thực hiện nhiệm vụ như 13 binh sỹ xấu số tại sân bay Afghanistan.
Giữa những tranh cãi, dù về Bắc Kinh hay Kabul, về Tổng thống Joe Biden hay Donald Trump, một sự thật đã rõ ràng. Đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Kabul ngày 29/8 là sai lầm, thay vì “cuộc tấn công chính nghĩa” như ông Milley từng khẳng định hồi đầu tháng Chín.
Ngày 17/9, Lầu Năm góc thừa nhận bắn nhầm mục tiêu, khiến 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng, trong đó có bảy trẻ em.
Ngày 28/9, một lần nữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ và Đại tướng Kenneth F. McKenzie Jr. của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã xin lỗi và sẽ điều tra về vụ việc.
Những lùm xùm này sẽ tác động tiêu cực tới cá nhân Đại tướng Mark Milley nói riêng và Bộ Quốc phòng Mỹ nói chung, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin của người dân Mỹ vào hoạt động quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden, dù là ở Trung Đông hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.