“Điểm đen” đứng đầu vẫn là những danh sách quen thuộc như gần 4 tạ lòng lợn đã chuyển màu, bốc mùi hôi thối, gần 300kg thịt trâu làm giả thịt bò không rõ nguồn gốc, 140kg mèo đã giết mổ không rõ nguồn gốc, mỡ bò không có giấy tờ hợp lệ, mỡ tẩm hóa chất làm tăng trọng lượng và gần 1,5 tấn ruốc không rõ nguồn gốc chuẩn bị đưa đi tiêu thụ…
Biểu đồ về điểm vi phạm ATTP. (Ảnh do nhóm Chống thực phẩm bẩn cung cấp) |
Đứng thứ hai là tình trạng thực phẩm bị làm giả cũng đang ở mức báo động như nước khoáng giả, dấm ăn giả, rượu giả, bột ngọt giả, đường giả… Trong bối cảnh mùa hè đang ở mức cao độ nắng nóng thì nhu cầu dùng nước khoáng tăng cao thì các cơ sở sản xuất đồ uống bị phát hiện làm giả với hơn một ngàn chai nước khoáng mang nhãn hiệu thiên nhiên.
Điểm lưu ý, những thực phẩm chức năng cũng được làm giả như sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg, nhau thai cừu Placentra Essence Glucosamin… Còn lại chia đều cho các mặt hàng như trứng, măng, bột mỳ, mỳ sợi, rau củ quả ...
Trong lần công bố này, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của chất phenol. Đây là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm nhưng lại phát hiện chất này có trong cá nục đông lạnh với khối lượng lên tới 30 tấn, hàm lượng là 0.037mg/kg vừa bị phát hiện tại Quảng Trị.
Cá nhiễm phenol. (Nguồn: Lao động) |
Điều đáng nói, 30 tấn cá nhiễm độc nếu được tuồn ra thị trường một cách trót lọt thì theo thống kê sẽ có ít nhất 30.000 hộ gia đình có thể bị nhiễm độc. Tuy nhiên, đây chỉ là lô hàng bị phát hiện, vậy câu hỏi được đặt ra là liệu có bao nhiêu tấn cá nhiễm độc đã và đang trên đường đến với mâm cơm mọi nhà mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được?
Đến nay, sau 10 lần công bố danh sách địa chỉ đen về vấn đề ATTP, “bóc trần” gần 500 cơ sở kinh doanh vi phạm vệ sinh ATTP nhưng tình trạng thực phẩm bẩn vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì thế, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn trở nên cam go, trường kỳ nhất và rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
"Đóng góp" cho 43 điểm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tuần qua có 3 nhóm đối tượng chính: Cơ sở sản xuất kinh doanh lớn (9%) – Hộ chăn nuôi, sản xuất kinh doanh cá thể (33%) và vận tải chiếm tới 58%.
Như báo TG & VN đã thông tin, chiều 10/6, Sở Y tế Quảng Trị đã thông báo 30 tấn cá nục của bà Lê Thị Thuộc (Cửa Tùng, Huyện Vĩnh Linh) có chứa chất phenol với hàm lượng 0,037mg/kg. Đặc biệt, đây là số cá nục được thu mua ngay sau thời điểm cá chết bất thường. Theo lãnh đạo Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị, trong chiều 12/6 và ngày 13/6, đơn vị này sẽ lấy mẫu tất cả các kho đông lạnh tại tỉnh Quảng Trị để gửi ra Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kiểm tra. |