📞

Các địa phương giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch và điểm đến hấp dẫn tại VITM Hà Nội 2024

Hà Anh 11:34 | 12/04/2024
Ngày 11/4, nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương đã được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2024.

Quảng bá điểm đến Đồng bằng sông Cửu Long

Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Du lịch Kiên Giang và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội.

VITM Hà Nội 2024 thu hút trên 3.500 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế tham gia. (Ảnh: Hà Anh)

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những nét cơ bản về hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến với đại biểu các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực.

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 40.500km2, tổng dân số gần 18 triệu người, có 386km đường biên giới với Campuchia cùng các cửa khẩu quốc tế và quốc gia, đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa khu vực với thị trường Campuchia, Thái Lan...

Khu vực này có 4 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa. Đây cũng là nơi có gần 200 đảo và quần đảo, gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc và các quần thể khác trong Thái Bình Dương.

Năm 2024, Kiên Giang với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương; tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch của cụm ngày càng hiệu quả.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu nhiều sản phẩm, điểm đến hấp dẫn cũng như những tiềm năng về du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... tới các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các tỉnh lân cận ở khu vực phía Bắc.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, các chương trình hợp tác, giới thiệu, xúc tiến quảng bá như thế này đã và đang làm tốt vai trò của kích cầu, phát triển du lịch tại các địa phương, qua đó tránh sự trùng lặp về sản phẩm, hỗ trợ đầu tư xây dựng sản phẩm mới, khắc phục các điểm yếu về nhân lực, quản lý…

Ông Hà Văn Siêu đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng chiến dịch quảng bá điểm đến đậm nét, rộng rãi, cụ thể trên các nền tảng số trong thời gian tới.

"Một hành trình, nhiều trải nghiệm"

Đó là chủ đề của Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh. Lần thứ ba cùng phối hợp tổ chức sự kiện bên lề VITM Hà Nội, 4 địa phương mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, thị trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới và các sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2024 nhằm thu hút khách du lịch đến với các tỉnh; xây dựng hình ảnh du lịch 4 địa phương thông qua việc liên kết thành một hành trình, nhiều trải nghiệm..

Tại Hội nghị, các địa phương đã mang đến những thông điệp hấp dẫn như: “Ninh Bình - Điểm đến thân thiện hàng đầu thế giới”, “Du lịch Thanh Hoá-Hương sắc bốn mùa”, “Nghệ An-Về miền Ví Giặm”, “Hà Tĩnh-Về Hà Tĩnh người ơi”.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã tham quan không gian trưng bày ấn phẩm, sản phẩm đặc trưng của 4 tỉnh; theo dõi video trình chiếu chung về tiềm năng, sản phẩm du lịch của 4 địa phương.

Đại diện 4 địa phương đã giới thiệu về sản phẩm du lịch mới, sự kiện nổi bật và các hoạt động du lịch tiêu biểu của tỉnh trong năm 2024; cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra những giải pháp nhằm đưa ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành du lịch 4 tỉnh đã đạt được, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đề nghị các tỉnh cùng phối hợp, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch chung, có sự liên kết của 4 tỉnh; tiếp tục có sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong quản lý về du lịch, nhằm giữ chân du khách để du lịch ngày càng phát triển.

Gian hàng du lịch Ninh Bình giới thiệu tại VITM Hà Nội 2024. (Ảnh: Hà Anh)

Khai thác thế mạnh vùng chè Thái Nguyên

Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên được tổ chức với mục tiêu quảng bá, giới thiệu về văn hóa, điểm đến, sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Hội nghị đã cung cấp danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tìm kiếm cơ hội đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác phát triển tối đa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tăng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, hội nghị đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển lĩnh vực du lịch, tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.

Tại đây, đại diện tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu một số chương trình tour du lịch kích cầu kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với Thái Nguyên và một số tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Đông Bắc.

Đồng thời các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành trao đổi, đóng góp ý kiến để du lịch Thái Nguyên phát huy thế mạnh, tiềm năng thu hút du khách trong thời gian tới; ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên.

Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.

Tỉnh Thái Nguyên tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính, bao gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Đặc biệt, khi nhắc đến Thái Nguyên, người ta sẽ gắn liền hình ảnh Thái Nguyên với những cánh đồng chè bát ngát - một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi trội ở mảnh đất này.

Tại các vùng chè nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, chăm sóc những nương chè đẹp, xây dựng khu vực chế biến, giới thiệu và bán các sản phẩm từ chè cũng như không gian thưởng thức rộng rãi phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.