📞

Các dòng sông đang cạn kiệt, đe dọa tê liệt giao thương đường thủy châu Âu

Trường Phan 09:01 | 15/08/2022
Theo Cơ quan Thống kế châu Âu (Eurostat), hệ thống sông ngòi và kênh rạch của châu lục này vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa mỗi năm và đóng góp khoảng 80 tỷ USD cho nền kinh tế, song, hạn hán lịch sử đang đe dọa làm tê liệt giao thương đường thủy châu Âu.
Sông Rhine là dòng sông quan trọng nhất trong giao thương đường thủy châu Âu. Hình ảnh bên bờ sông Rhine tại Đức (Nguồn: Finance Times)

Báo cáo từ Cục Đường thủy và vận tải Liên bang Đức cho biết, mực nước ở một số khu vực của sông Rhine quá nông do hạn hán, làm tắc nghẽn hoạt động giao thương nằm dọc theo tuyến đường thủy quan trọng nhất của châu Âu.

Trong khi đó, sông Danube, kết nối sông Rhine qua kênh đào Europa đổ ra Biển Đen, cũng gặp tình trạng bị bồi lấp, gây cản trở việc buôn bán ngũ cốc và các hoạt động thương mại khác.

Các dòng sông đang khô cạn dần

Được xem là con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, sông Rhine chảy dài khoảng 1.300 km từ dãy Alps của Thụy Sỹ qua một số khu công nghiệp quan trọng nhất của châu Âu trước khi đổ ra Biển Bắc.

"Gã khổng lồ” hóa chất BASF SE và nhà sản xuất thép Thyssenkrupp AG của Đức đã tận dụng lợi thế này để cung cấp nhiên liệu và nguyên liệu thô cho các nhà máy công nghiệp lớn trên khắp châu Âu.

Nước sông Rhine chủ yếu do các sông băng và mưa cung cấp. Tuy nhiên, lượng nước từ các dòng sông băng đang giảm dần trong những năm gần do biến đổi khí hậu.

Việc sinh hoạt và khai thác quá mức của con người cũng tác động không nhỏ đến các dòng chảy. Khoảng 58 triệu người đang sống dựa vào nguồn nước sông Rhine để sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất và vận hành hệ thống thủy điện.

Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết, tình trạng khan hiếm nước ở các lưu vực sông của châu lục sẽ ảnh hưởng đến 1/4 dân cư khu vực.

Theo Viện Thủy văn Liên bang Đức, nếu “điểm thắt nút” của sông tại Kaub phía Tây Frankfurt, Đức chạm mốc cạn dưới 40 cm, hầu hết các sà lan sẽ không thể di chuyển được, từ đó, gây ra nguy cơ cắt đứt dòng chảy hàng hóa, bao gồm cả dầu diesel, than, cũng như làm gián đoạn các hoạt động giao thông đường thủy

Bên cạnh đó, mực nước đang xuống thấp tại Kaub có thể khiến các công ty hóa dầu của Đức phải đối mặt khó khăn chồng chất, trong khi họ vừa mới nhận được khoản cứu trợ trị giá 17 tỷ USD từ chính phủ nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của mạng lưới năng lượng quốc gia này.

Mặc dù các công ty vẫn có thể cung cấp nhiên liệu bằng đường bộ hoặc đường sắt, nhưng các phương thức vận tải đó đắt hơn đáng kể, khiến lợi nhuận giảm sút nghiêm trọng.

Mang lưới đường sắt của Đức phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kinh niên, trong khi việc chuyển đổi sang đường bộ cũng không hề đơn giản.

Ước tính trung bình một sà lan qua sông Rhine có thể chở lượng hàng có tải trọng tương đương 110 xe tải cộng lại. Bên cạnh đó, Đức cũng đang thiếu tới 80.000 tài xế xe tải.

Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Giới chuyên gia nhận định, các điều kiện bất lợi về vận chuyển ở sông Rhine dự kiến ​sẽ gây thiệt hại khoảng 5,1 tỷ USD cho các nền kinh tế trong khu vực, tương tự như đợt khủng hoảng từng xảy ra năm 2018. Nếu sông Rhine không được tiếp nước nhanh chóng, năng lực vận chuyển nội địa sẽ bị hạn chế nghiêm trọng, giá điện tăng cao ngất ngưỡng, và con số thiệt hại ước tính có thể lên đến hàng tỷ USD.

Một số doanh nghiệp hoạt động trên lưu vực sông Rhine cho biết, chi phí vận chuyển đã đội lên chóng mặt. Cụ thể, một sà lan tăng 30% chỉ trong một ngày.

Mặc dù họ thể tính thêm phí cho mỗi tấn hàng hóa, nhưng lại gặp vấn đề hạn chế về số lượng vận chuyển, vì nếu mực nước thấp hơn có nghĩa là họ phải nhận tải trọng nhỏ hơn để đảm bảo an toàn.

Cùng với giá khí đốt tăng khi Đức chấm dứt nhập khẩu từ Nga, sự kết hợp này gây ra mối đe dọa đối với các nhà máy như Ludwigshafen của BASF SE.

Nếu các con sông ngày càng khô cạn, các cơ sở này sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, họ buộc phải dự trữ nhiên liệu nhiều hơn, hoặc phải chuyển dịch sản xuất đến các cảng biển và cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn.

Các vấn đề liên quan đến sông Rhine đang bắt đầu lan rộng trong khu vực. Là nước xuất khẩu điện, Pháp cũng không thể giúp giảm bớt ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng vì chỉ có khoảng một nửa số lò phản ứng hạt nhân của nước này hoạt động, phần còn lại đang bảo trì.

Na Uy cũng hạn chế xuất khẩu điện vì nước này ưu tiên lấp đầy các hồ chứa nước đang hạ thấp do hạn hán, thay vì sản xuất điện.

Trong khi đó, Thụy Sỹ đang tập trung khai thác dự trữ nhiên liệu và nỗ lực khắc phục mức thủy điện ở mức thấp nhất kể từ năm 2017. Các chuyến phà ở Hà Lan cũng đã phải dừng lại, ảnh hưởng đến giao thông công cộng ở một số khu vực.

Tại thung lũng Po của Italy, nơi chiếm khoảng 30% sản lượng nông nghiệp của cả nước, tình trạng nắng nóng gay gắt và điều kiện đặc biệt khô hạn đã ảnh hưởng đến sản lượng ngô và hướng dương. Nông dân trồng lúa phải cắt bỏ một lượng lớn cây trồng sau khi nước sông xuống mức thấp do hạn hán và hạ tầng thủy lợi kém.

Hiệp hội trang trại Coldiretti cho biết, ở vùng đồng bằng phía Nam Venice (Italy), sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên đang khiến tảo phân hủy và làm mất đi nguồn lượng oxy tự nhiên cần thiết đối với các trang trại nuôi ngọc trai.

Được biết, khoảng 30% số trai sò trong khu vực đã bị tiêu diệt, ít nhất 2.300 ngư dân và công nhân địa phương đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp

Toàn cảnh hai bên bờ khúc sông Rhine tại Đức. (Nguồn: Finance Times)

Chung tay cứu vãn tình hình

Để tránh lặp lại sự cố năm 2018, Đức đang theo đuổi các biện pháp giữ cho sông Rhine mở rộng lưu lượng nước, bao gồm tăng cường nạo vét lòng sông và nâng cấp các hệ thống cảnh báo sớm.

Nước này cũng đang xem xét các phương án xâm lấn sâu hơn hai bên bờ lưu vực như xây dựng các hồ chứa có thể tích trữ và xả nước để bù đắp lượng dòng chảy giảm từ các sông băng.

Công ty Thyssenkrupp AG đã thành lập một ban chuyên xử lý và nhóm họp hằng ngày về các vấn đề khủng hoảng liên quan sông Rhine. Nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức đang sử dụng các tàu có lượng choán nước thấp hơn trong việc vận chuyển hàng hóa cho nhà máy của họ ở Duisburg.

Trong khi đó, công ty hóa chất BASF đã đặt hàng các tàu có thể linh động điều chỉnh lượng choán nước và thuê một sà lan đặc biệt dài 110 mét để vận chuyển khí hóa lỏng đến nhà máy Ludwigshafen. Được biết, đợt hạn hán năm 2018 khiến họ thiệt hại hơn 250 triệu USD.

Utility Uniper SE dự kiến cắt giảm sản lượng tại hai nhà máy nhiệt điện than quan trọng ở Đức, do họ đang phải vật lộn để có được nguồn cung cấp nhiên liệu dọc sông Rhine.

Do hạn hán tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, Pháp đã áp dụng các biện pháp hạn chế nước trên gần như toàn bộ đất nước. Hơn 100 thành phố hiện đang dựa vào nước uống do xe tải cung cấp.

Trên sông Danube, các hoạt động nạo vét khẩn cấp đang được tiến hành ở Bulgaria, Romania và Serbia, giới chức cũng phát lệnh thông báo tàu bè buộc phải lùi lại để chờ thông kênh.

(theo Finance Times)