📞

Các nhà khoa học lo khó hoàn tất dự án “Lưu trữ Trái đất” vì thiếu... tiền

11:47 | 17/10/2019
Trái đất đang biến đổi nhanh hơn bất cứ ai có thể hình dung được. Các vụ cháy rừng, núi băng tan và còn nhiều bằng chứng khác đang từng ngày xảy ra nhiều hơn cho thấy các nền văn hóa cổ xưa đang dần biến mất.    
Năm 2018, các nhà khảo cổ học đã sử dụng lase để khảo sát một phần của rừng Guatemala và phát hiện ra một thành phố cổ đã bị chôn vùi. (Nguồn: AP)

Biến đổi ở một mức độ nào đó là điều hiển nhiên, nhưng biến đổi ngày một nhanh và dữ dội hơn do hậu quả của các hoạt động của con người khiến cho khí hậu phải biến đổi thì hoàn toàn là vấn đề nghiêm trọng.

Mới đây, hai nhà nghiên cứu đã đề xuất một cách lưu lại thông tin về hành tinh của chúng ta. Đó là sử dụng lase để tạo ra bản đồ 3D có độ phân giải cao của toàn bộ thế giới hiện nay. Đây là một dự án phi lợi nhuận có tên “Lưu trữ Trái đất”, do nhà khảo cổ học Chris Fisher và nhà địa lý học Steve Leisz khởi xướng. Hai nhà nghiên cứu đều đang công tác tại Trường đại học bang Colorado, Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà khảo cổ học Fisher đã phát biểu rằng, khủng hoảng khí hậu đe dọa sẽ phá hủy di sản văn hóa và sinh thái của chúng ta chỉ trong vòng vài thập kỉ tới. Vậy làm thế nào để chúng ta lưu lại được những thông tin về tất cả mọi thứ hiện nay trước khi quá muộn?

Câu trả lời là sử dụng phương pháp điều tra và phân loại bằng ánh sáng, hay còn gọi là phương pháp Lidar. Đây là phương pháp khảo sát từ xa bằng cách sử dụng máy bay mang thiết bị quét mặt đất bằng ánh sáng lase. Bằng phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể lập các bản đồ 3D có độ phân giải cao của một vùng rộng lớn với các vật thể, thông tin không chỉ trên mặt đất mà còn nằm sâu dưới mặt đất.

Trong thập kỉ vừa qua, công nghệ này đặc biệt có đóng góp rất nhiều trong các cuộc khảo sát khảo cổ và giúp cho các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều thành phố đã bị chôn vùi trong các khu rừng rậm ở châu Phi và Nam Mỹ, nhiều con đường của thành phố Rome cổ đại và nhiều dấu tích của các đô thị cổ đại ở Campuchia.

Năm 2007, ông Fisher là thành viên của nhóm nghiên cứu sử dụng Lidar tìm kiếm dấu vết của một thành phố đã mất ở vùng rừng Honduras. Phương pháp này đã giúp họ thu thập được thông tin chi tiết về thành phố này trong vòng 10 phút mà còn nhiều hơn cả những gì nhóm đã tìm được trong 10 năm, chỉ đơn thuần bằng phương pháp tìm kiếm tại thực địa.

Nhờ kinh nghiệm quí báu này, ông Fisher tin rằng, các nhà khoa học cần “quét, quét nữa, quét mãi” để ghi lại thông tin về những nơi dễ bị phá hủy nhất của thế giới trước khi những nơi này biến mất.

Nhiệm vụ của dự án “Lưu trữ Trái đất” sẽ tập trung vào khảo sát toàn bộ bề mặt đất liền Trái đất, tương đương 29% diện tích toàn cầu, bắt đầu với những vùng nguy cơ cao nhất như là rừng mưa Amazon và các vùng ven biển đang có nguy cơ bị xóa sổ do nước biển dâng. Ông Fisher cho biết, nhiệm vụ này có thể còn kéo dài nhiều chục năm, nhưng kết quả sẽ là “món quà cuối cùng dành cho các thế hệ tương lai”.

Để dự án này hoạt động, tất nhiên phải cần có nguồn tài chính lớn. Dự án cần khoảng 10 triệu USD cho việc quét phần lớn vùng Amazon trong vòng 3 năm tới. Với chi phí cao như vậy, một số nhà nghiên cứu lo ngại không biết dự án có thể hoạt động đến cùng hay không. Giáo sư Mat Disney của Khoa Địa lý, Đại học Lodon nhận định, một dự án lớn như vậy chắc chắn sẽ chiếm nguồn tài chính của các dự án khác.

Ngay cả khi có đủ tài trợ thì việc xin giấy phép bay qua các không phận cấm cũng là một rào cản khá lớn. Ông nói “Ai sẽ cấp phép cho các máy bay này bay qua Brazil, chắc chắn chính phủ Brazil sẽ không đồng ý” bởi vì Tổng thống Brazil hiện nay là ông Jair Bolsonaro còn đang chống lại khoa học và mở cửa một số vùng cấm của rừng Amazon vì lợi nhuận thương mại.

(theo Dân trí/Live Science)