Những chuyến du hành vào không gian vũ trụ xa thẳm có thể gây ra một số rủi ro bất ngờ cho sức khỏe con người.
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phi hành gia từng bay trên các chuyến bay của tàu vũ trụ con thoi Apollo đã qua đời vì bệnh tim ở mức cao bất thường. Theo đó, 43% phi hành gia đã qua đời có nguyên nhân tử vong liên quan tới bệnh tim mạch.
Theo dự đoán, nguyên nhân chính có thể là do các phi hành gia đã phải hứng chịu các tia bức xạ vũ trụ trong suốt quá trình bay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự gia tăng liều lượng bức xạ trong không gian vũ trụ có thể là nguyên nhân đủ mạnh để gây rối loạn chức năng của các tế bào trong mạch máu.
Làm việc ngoài khoảng không vũ trụ có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm xạ đối với các phi hành gia. (Nguồn: NASA) |
Nghiên cứu này mới chỉ tiến hành đối với số lượng đối tượng hạn hẹp là các phi hành gia bay trên các chuyến bay của tàu Apollo và có thể phải chờ lâu hơn nữa mới có thể có được một kết luận dứt khoát.
Tuy nhiên, kết quả này tương ứng với kết quả thí nghiệm trên những con chuột bị chiếu xạ - chúng phải chịu đựng cùng mức bức xạ mà con người sẽ phải chịu trong một chuyến bay tới Mặt Trăng. Khi bị chiếu xạ, lũ chuột có nhiều khả năng bị bệnh tim khi chúng già đi, giống như ở người, nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, phát hiện này không có nghĩa là con người sẽ phải "ru rú" ở Trái Đất để tránh bệnh tật, nhưng các tàu vũ trụ và các nhà du hành có thể cần được bảo vệ tốt hơn nữa nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng trong mỗi chuyến đi.