Con bài mặc cả Huawei và cách ‘bảo vệ’ nước Mỹ của Tổng thống Trump. (Nguồn: Forbes) |
Lệnh cấm của Washington đối với Huawei trở thành chủ đề nóng nhất trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và giới công nghệ. Bắc Kinh đồng ý quay lại bàn đàm phán với điều kiện Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm Huawei. Còn Mỹ quyết không bỏ hoàn toàn lệnh cấm, chỉ đồng ý khởi động lại đàm phán các vấn đề không nguy hại đối với an ninh quốc gia, mà Huawei bị coi là nhân tố chính.
Tổng thống Trump đang bảo vệ nước Mỹ sai cách?
Vài ngày sau khi lệnh nới lỏng cho Huawei được ban hành, Ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi đã chia sẻ quan điểm của mình về quyết định của Tổng thống Trump, ảnh hưởng của lệnh cấm đối với tương lai của Huawei và cách ông ấy lên kế hoạch đối phó với bất kỳ lệnh cấm nào khác có thể gặp phải trong tương lai.
Trước khi xem xét quan điểm của Huawei, hãy nhìn lại cách mà Huawei bị kéo vào cuộc cọ sát thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới. Chính quyền của Tổng thống Trump đã cấm các công ty Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với Huawei sau khi họ cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc làm gián điệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ. Lệnh cấm tập trung vào bất kỳ công nghệ nào liên quan đến công nghệ 5G. Tất nhiên, Huawei hiện đang là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới và là công ty hàng đầu sở hữu công nghệ 5G.
Trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance mới đây, ông Nhậm Chính Phi cho biết, do các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã coi Huawei là mối đe dọa bảo mật và thường tránh sử dụng các sản phẩm của hãng, Huawei đã chủ động hạn chế hiện diện tại Mỹ.
Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Trump vẫn muốn cố gắng cô lập Huawei bằng cách không chỉ áp đặt lệnh cấm thương mại ở nước Mỹ, mà còn yêu cầu các đồng minh cùng tham gia. Ông chủ của Huawei cho rằng, động thái này thật kỳ lạ. Ông Nhậm tin rằng, các vụ kiện Huawei liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và việc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ đều có ảnh hưởng từ quyết định của Tổng thống Trump.
Nhà sáng lập Huawei đặt câu hỏi về cách kết hợp các cuộc đàm phán thương mại với các vấn đề pháp lý của Tổng thống Trump. “Đó là tòa án, nởi xử lý các vụ kiện cáo, chứ không phải Chính phủ.”, ông Nhậm Chính Phi nói.
Tình huống này xảy ra lần đầu tiên khi ông Trump trực tiếp can thiệp vào việc riêng của một doanh nghiệp. Đó là vào tháng 3/2018, ông Trump đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để hủy bỏ việc Broadcom - công ty có trụ sở ở Singapore mua lại Qualcomm - nhà sản xuất chip di động hàng đầu nước này, vì lí do 5G và an ninh quốc gia.
Việc cấm vận Huawei, đặc biệt là cấm mua công nghệ của các hãng công nghệ Mỹ, sẽ không giúp nước Mỹ an toàn hơn. Còn Huawei thì vẫn tồn tại và trở nên cứng cáp hơn sau các áp lực. (Nguồn: The Next Web) |
Theo ông Nhậm Chính Phi, Huawei hoàn toàn không thể gây rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ, vì các sản phẩm của họ không được sử dụng trong mạng 5G của nước này. Ông cho rằng, Tổng thống Trump chỉ sử dụng Huawei để gây áp lực lên Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, Huawei đang cố gắng tách mình ra khỏi các cuộc đàm phán thương mại và đang kiềm chế không nhận sự giúp đỡ từ Chính phủ Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN mới đây, Giám đốc An ninh của Huawei, cũng chính là cựu Giám đốc bộ phận an ninh mạng quốc gia của Bộ An ninh Nội địa Mỹ Andy Purdy cho rằng, Tổng thống Trump đang "bảo vệ nước Mỹ và các công ty của Mỹ sai cách", bởi việc cấm vận Huawei, đặc biệt là cấm mua công nghệ của các hãng công nghệ Mỹ, sẽ không giúp nước Mỹ an toàn hơn. Còn Huawei vẫn tồn tại và trở nên cứng cáp hơn sau các áp lực.
Tin xấu cho người tiêu dùng Mỹ, tin tốt cho ai?
Dù ý định của Mỹ phía sau lệnh cấm thương mại là gì, thì người đứng đầu “đế chế công nghệ hàng đầu” Huawei tiết lộ rằng, ông ấy đã chuẩn bị cho tình huống đó.
Vào ngày 15/5, Intel và Qualcomm đã chính thức tạm dừng các lô hàng chipset và Google đã dừng cập nhật Android cho điện thoại thông minh Huawei. Và trong vòng chưa đầy một tháng sau, một báo cáo của Bloomberg tiết lộ, các lô hàng điện thoại thông minh ở nước ngoài của Huawei có thể giảm từ 40% - 60% trong năm 2019. Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tập trung mọi nỗ lực tại thị trường nội địa, để bù đắp sự sụt giảm của các lô hàng ở nước ngoài.
Trên thực tế, trong quý II/2019, khi doanh số điện thoại thông minh Huawei tại các thị trường lớn ở châu Âu giảm 1,9% liên tiếp, thì nó đã tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc lên 46,1%. CEO của Huawei còn không từ bỏ hy vọng, các lô hàng điện thoại thông minh trên toàn cầu của công ty ông sẽ tăng 30% so với năm trước, lên khoảng 270 triệu chiếc vào năm 2019, bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
Huawei đang giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và đế chế công nghệ này đã sẵn sàng cho bất kỳ lệnh cấm nào trong tương lai. Theo ông Nhậm, Huawei đã thực sự giảm sự phụ thuộc vào các công ty Mỹ cung cấp các sản phẩm cốt lõi. Huawei cũng đã cắt giảm sản xuất các sản phẩm có các thành phần phụ thuộc vào các doanh nghiệp Mỹ. Bằng cách này, Huawei sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh ngay cả khi các công ty Mỹ ngừng giao hàng một lần nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, tháng 6/2019. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, khi đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất đi một khách hàng quan trọng. Năm 2018, họ đã kiếm được tổng cộng 11 tỷ USD từ Huawei. Broadcom có trụ sở tại Mỹ đã mất khoảng 2 tỷ USD/năm vì lệnh cấm Huawei. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có thể phải chịu thiệt hại như Broadcom.
Tuy nhiên, dù hiện tại Huawei đã giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google. Ông Nhận Chính Phi cho biết, hệ điều hành Hongmeng được phát triển riêng cho điện thoại thông minh Huawei, sẽ là một phương án dự phòng khi Android không còn là một tùy chọn.
Như vậy, có vẻ như, Tổng thống Trump cứ "đánh", còn Huawei đang "né" thành công. Thông tin mới nhất, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các CEO công nghệ Mỹ, dù giới lãnh đạo công nghệ đề nghị Chính phủ đẩy nhanh quá trình xét duyệt và cấp phép kinh doanh cho Huawei, thì họ vẫn ủng hộ việc hạn chế bán các thiết bị viễn thông cho doanh nghiệp này nếu nó thực sự gây ra những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia.
Được biết, quá trình xem xét và cấp phép của Mỹ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, đầu tuần này, truyền thông Mỹ lại có tin, Huawei đang âm thầm giúp Triều Tiên xây dựng, duy trì mạng viễn thông không dây thương mại trong suốt 8 năm qua. Hiện hãng công nghệ Trung Quốc khẳng định không tham gia bất kỳ dự án kinh doanh nào ở Triều Tiên, thông tin trên có thể sẽ lại khiến quá trình xét duyệt giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục dài thêm.