📞

Cách ông Trump khiến Trung Quốc làm việc "có trách nhiệm hơn"

18:12 | 21/03/2019
Mỹ sẽ duy trì mức thuế áp đặt đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc “thêm một thời gian dài nữa”, thậm chí ngay cả sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại. Đây là tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra ngày 20/3.

Nắm thế chủ động

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đã bước sang tháng thứ 9, Mỹ đã áp thuế với mức từ 10 đến 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 110 tỷ USD. Tuyên bố của ông Trump đưa ra khi trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang chuẩn bị cho chuyến công du Bắc Kinh vào tuần tới để tiến hành vòng cuối cùng của các cuộc đối thoại cấp cao sau nhiều tuần gián đoạn.

Một cuộc đàm phán Thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày 21/2. (Nguồn: AP)

Washington đang hối thúc Bắc Kinh cam kết thay đổi các chính sách kinh tế và thương mại của mình, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua hình thức liên doanh, tạo điều kiện tiếp cận thị trường Trung Quốc và tăng cường mua các sản phẩm Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một vấn đề đặc biệt nan giải trong các cuộc đàm phán là cơ chế thực thi, xác minh để Mỹ có thể kiểm soát việc Trung Quốc có tôn trọng hay là chệch hướng với những thay đổi mà họ đã cam kết để áp dụng các biện pháp trừng phạt thích đáng. Bắc Kinh đã phản đối việc áp dụng một cơ chế xác minh cho phép Mỹ đơn phương hành động, chẳng hạn như áp thêm thuế. Ông Trump đã ám chỉ rằng, việc kéo dài thời gian áp thuế có thể là một cách để buộc Bắc Kinh phải có trách nhiệm. Ông nói: “Trung Quốc có rất nhiều vấn đề trong việc thực thi cam kết trong thỏa thuận và chúng ta phải chắc chắn về điều này”.

Trong một hành động mà ông gọi là cử chỉ thiện chí hồi đầu tháng này, ông Trump đã tạm ngừng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% áp dụng với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và nhấn mạnh đây là “bước tiến triển quan trọng” trong các cuộc đàm phán.

Một quan chức thuộc Phòng Thương mại Mỹ, người nắm được những tiến triển của các cuộc đàm phán cho biết, các cuộc đối thoại gần đây giữa ông Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tập trung nhiều vào một cơ chế xác minh. Hai bên đã có hai lần trao đổi qua điện thoại hồi tuần trước.

Bài báo đăng ngày 19/3 của Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin và nắm rõ nội dung các cuộc đàm phán cho biết, các quan chức chính quyền Trump đã lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ không thực hiện các cam kết mà họ đưa ra về một số vấn đề do thiếu sự đảm bảo sẽ dỡ bỏ thuế từ Mỹ.

Tại một phiên điều trần trước Thượng viện mới đây, ông Lighthizer cho biết, Mỹ phải “giữ quyền tăng thuế trong trường hợp xảy ra vi phạm thỏa thuận”.

Giới bán lẻ Mỹ đang tỏ ra rất thất vọng. (Nguồn: Tibet Express)

Tốt đẹp hay lạc quan tếu?

Những bình luận của ông Trump hôm 20/3, trong đó ám chỉ một sự “kéo dài” thời gian áp thuế, đã gây thất vọng cho các nhân vật trong ngành công nghiệp bán lẻ ở Mỹ, những người đã vận động việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu, mà theo các nghiên cứu gần đây thì đã gây ảnh hưởng lên người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Hun Quach, thuộc Hiệp hội các Lãnh đạo ngành Công nghiệp Bán lẽ (RILA), dẫn số liệu mà Nhà Trắng đưa ra từ Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) cho biết, “các gia đình Mỹ đã phải chi trả 14,4 tỷ USD tiền thuế vào năm 2018”.

Doanh nhân Hun Quach nói thêm: “Chúng ta cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này và dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm thiết yếu vì quyền lợi của các thương nhân, người lao động và các gia đình Mỹ”.

Còn theo Tariffs Hurt the Heartland, một liên minh gồm hơn 80 hiệp hội thương mại, những bình luận của ông Trump đã “gây quan ngại sâu sắc cho những nông dân, thương nhân và người tiêu dùng Mỹ, vốn đang phải trực tiếp chịu tổn thất vì cuộc chiến thương mại này”: “Thuế bị áp thêm giây nào là ví tiền của những người Mỹ chăm chỉ bị rút đi giây ấy”.

Bất chấp lời đe dọa duy trì các mức áp thuế, ông Trump cũng cho biết, những triển vọng cho một thỏa thuận “vẫn đang tiến triển tốt đẹp”.

Về phần mình, ôngLighthizer vẫn tiếp tục tìm cách giảm bớt sự lạc quan về một thỏa thuận. Ông nói với các nhà lập pháp trong một phiên điều trần tại Hạ Viện hồi cuối tháng 2 rằng, vẫn còn rất nhiều viêc phải làm “cả trước khi hai bên đạt được một thỏa thuận, và quan trọng hơn là sau thỏa thuận, nếu nó thực sự được ký kết”.

(theo SCMP)