TIN LIÊN QUAN | |
Phó Thủ tưởng Phạm Bình Minh gửi thư chúc mừng nhân dịp thành lập 71 năm ngành Ngoại giao | |
Vượt thác ghềnh, ra biển lớn |
Nhiều người nói rằng, Đại sứ có một “kho sáng kiến”. Cảm hứng nào giúp Đại sứ luôn tìm thấy những điểm mới cần cải tiến trong công việc?
Quan điểm của tôi là luôn phải nhận thấy nhu cầu cần phải cải tiến trong mỗi việc mình làm. Có những công việc nhiều người đã làm, tôi cũng đã từng làm, tôi vẫn luôn cố gắng tìm tòi để cải tiến chính mình. Một cách tiếp cận mới, hay có thể làm thay đổi về nội dung, hình thức, miễn sao nó phải tốt và hiệu quả hơn. Nhưng nhiều khi, để làm được điều đó rất cần sự táo bạo, mạnh dạn và sự quyết tâm cao của người lãnh đạo, cùng tất cả mọi người trong đơn vị. Khi đó, người lãnh đạo không chỉ cần sự phục tùng mệnh lệnh, mà còn cần lắm sự tin cậy của cấp dưới.
Tinh thần đổi mới, sự quyết tâm, phát huy những nét mới, tạo dựng lòng tin trong các mối quan hệ là tinh thần xuyên suốt trong quá trình làm việc của tôi.
Đó có thể là thông điệp mà Đại sứ muốn truyền tới thế hệ các nhà ngoại giao trẻ?
Tôi thấy hiện giờ chính là thời kỳ ngoại giao cần đi tuyến đầu, ở đâu “nóng” thì phải làm cho nó bớt nóng bằng các công cụ ngoại giao. Muốn làm được như thế, phải luôn học hỏi và có quyết tâm cao.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại hiện trường vụ cháy kho bên cạnh TTTM Đồng Xuân, Berlin, Đức, tháng 5/2016. (Nguồn:baovietduc.de) |
Tôi nghĩ rằng, với các bạn trẻ, nếu đã chọn nghề ngoại giao, trong hành trang của mình cần có niềm đam mê và sự sáng tạo, những mục tiêu cụ thể, có phương hướng để đạt được những mục tiêu đó. Ta sẽ trưởng thành và khi đó sẽ thấy cuộc sống rất có ý nghĩa. Hiện nay, đất nước đặc biệt cần những nhà ngoại giao như thế. Cơ hội đang nằm trong tay chúng ta. Những người luôn trăn trở và có quyết tâm chắc chắn sẽ thành công.
Trăn trở và đam mê của Đại sứ có phải dành cho phát triển kinh tế?
Tôi đam mê kinh tế. Tôi được đào tạo về kinh tế, sau này kinh qua nhiều công tác đều liên quan đến mảng kinh tế. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài, tôi luôn nghĩ đến việc tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác và phát triển kinh tế đất nước. Ngành Ngoại giao không phải cầm trịch về kinh tế, nhưng bằng cách tiếp cận của mình, Ngoại giao có thể phục vụ phát triển.
Chính trị và kinh tế luôn ràng buộc lẫn nhau. Quan hệ chính trị thông suốt sẽ tạo niềm tin để kinh tế phát triển. Hiệu quả kinh tế sẽ có tác động ngược trở lại chính trị. Đó cũng là ý nghĩa thực chất của câu chuyện ngoại giao kinh tế.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng phát biểu tại Hội chợ Du lịch quốc tế Berlin, tháng 3/2016. |
Ngoại giao kinh tế không nên chỉ đánh đồng với việc tăng trưởng thương mại hay kêu gọi đầu tư. Việc tạo dựng một mối quan hệ tin cậy về chính trị, môi trường thuận lợi, tạo được lòng tin tự nhiên, lúc đó, đầu tư và thương mại sẽ thuận lợi hơn. Đương nhiên, từ đó sẽ lan tỏa đến nhiều khía cạch khác từ kinh tế đối ngoại, hợp tác địa phương, lao động… Ngược lại, các mối quan hệ kinh tế cùng chia sẻ lợi ích, sẽ đóng góp củng cố thêm quan hệ chính trị.
Đại sứ đã kết thúc nhiệm kỳ ở Nhật Bản với sự ghi nhận thành tích từ 4 Bộ và nhiều địa phương, trong đó có Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn? Tại sao lại là nông nghiệp, thưa Đại sứ?
Đó là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm Ngoại giao và cũng là sự đam mê của tôi. Ý tưởng kết nối hai nền nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản xuất phát từ suy nghĩ về cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Theo tôi, họ thiệt thòi hơn chúng ta rất nhiều. Ấp ủ ban đầu của tôi là muốn kết nối nông nghiệp Việt Nam với một nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản hay Israel…. May mắn trong nhiệm kỳ tại Nhật Bản, tôi đã làm được điều đó. Đến nay, tôi rất vui mừng khi nhận thấy xu hướng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được nhân rộng, thu hút nhiều tỉnh, thành tham gia, thậm chí nhiều “đại gia” Việt Nam cũng đã “nhảy” vào đầu tư ở lĩnh vực này. Từ đây tôi thấy rằng, lợi thế so sánh là thứ mà nhiều người có thể nhìn thấy, nhưng khi mình quyết tâm nắm lấy cơ hội, trăn trở với cơ hội đó, nó sẽ tạo ra những cơ hội mới.
Điều gì làm Đại sứ chưa thật sự hài lòng?
Tất nhiên, nhiều việc có kết quả hơn cả sự mong đợi, nhưng còn những vấn đề làm tôi vẫn băn khoăn, trăn trở.
Thứ nhất, thực tế hội nhập quốc tế đang mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội, làm thế nào để hiện thực hóa và tận dụng được những cơ hội đó? Việc đó, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, chỉ riêng Bộ Ngoại giao không thể làm được. Còn khi chúng ta đã nắm được cơ hội, đừng để mất nó, vì đã ký kết hợp tác mà không triển khai tức là chúng ta tự đánh rơi cơ hội, mất chữ tín, rất khó khăn trong những lần tiếp theo. Đây là vấn đề tôi lo lắng, muốn chia sẻ để hy vọng điều đó đừng xảy ra hoặc giảm thiểu.
Thứ hai là vấn đề cơ chế. Tôi thấy cần có một cơ chế để công việc, nhất là các dự án hợp tác với nước ngoài, vẫn được tiếp tục trong giai đoạn chuyển giao các thế hệ. Dù nhân sự có thay đổi, các chương trình hợp tác sẽ vẫn được tiếp tục, không làm mất lòng tin của phía đối tác.
Thứ ba là đội ngũ cán bộ, không chỉ là các cán bộ từ Bộ Ngoại giao, mà cả các bộ ngành, địa phương khác. Nếu đã mở ra cơ hội, khả năng hợp tác nhiều mặt, cần tính đến đội ngũ triển khai hiệu quả ngang tầm, hiểu ngôn ngữ, hiểu đất nước và địa phương của đối tác, hiểu cơ chế hai bên và khả năng đôn đốc, thúc đẩy công việc. Theo tôi, hiện chúng ta chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Ngay trong cơ quan đại diện của Bộ Ngoại giao, dù đã có sự chuẩn bị kỹ và khá bài bản, nhưng vẫn có những hụt hẫng nhất định, khi sang làm việc ở nước bạn. Đặc biệt, “tinh thần máu lửa” trong thực hiện công việc còn thiếu.
Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những khó khăn?
Gần 40 năm công tác trong ngành, không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ, nhiều khi gặp hoặc được giao những việc thật sự rất khó… Cũng không phải lúc nào tinh thần cũng vui vẻ, vì có những lúc mình muốn thế này mà kết quả lại không được như thế. Những lúc như vậy, cũng khó mà vui vẻ được.
Nhưng, những cảm xúc không vui đó trôi qua rất nhanh, tôi thường trở lại ngay với công việc khi xác định tâm thế và lấy lại quyết tâm. Tôi luôn tâm niệm, khi đã được giao nhiệm vụ gì, cần phải làm một cách tốt nhất, càng khó càng lao vào làm để biết cho tường tận, càng hiểu sâu hiểu kỹ, thì sau này khi gặp những vấn đề tương tự mình sẽ không còn bỡ ngỡ, và có thể xử lý công việc một cách tốt hơn.
Đó là cách vượt qua khó khăn của cá nhân tôi.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược của ngành Ngoại giao là một trong những nhiệm vụ ... |
Cơ hội lớn cho hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản "Mục tiêu chấn hưng kinh tế địa phương của Nhật Bản được đặt lên hàng đầu và đây là cơ hội lớn cho các địa ... |
Phát huy vai trò kết nối Đến Việt Nam từ năm 1992 từ khi còn là nhà ngoại giao trẻ, đó là cơ duyên để ông Giles Lever trở lại mảnh ... |