📞

Cải cách giáo dục Phần Lan: Chậm và chắc

09:53 | 08/02/2017
Việc Phần Lan lọt vào nhóm cường quốc hàng đầu thế giới về giáo dục không phải trong một sớm một chiều, mà là kết quả của quá trình cải cách quyết liệt, chậm và chắc.

Năm 1950, hầu hết học sinh ở Phần Lan rời ghế nhà trường sau 6 năm giáo dục tiểu học cơ bản. Chỉ những người sống ở thị trấn hay khu vực thành thị mới có khả năng tiếp cận giáo dục bậc trung (trung học cơ sở).

Vào thời đó, có hai hình thức giáo dục bậc trung: Các trường công do chính quyền quản lý, cung cấp chương trình giáo dục từ 2 - 3 năm. Người học có thể tiếp tục theo đuổi giáo dục nghề nghiệp tiếp theo tại các thị trấn lớn. Hình thức thứ hai là trường trung học cơ sở chuyên với chương trình giáo dục 5 năm, nhằm chuẩn bị cho cấp trung học phổ thông và đại học. Chỉ khoảng 1/4 học sinh Phần Lan có khả năng tiếp cận trường chuyên và 2/3 số trường này là tư thục.

Người dân Phần Lan quan tâm hơn tới giáo dục cho con em họ và được các nhà lãnh đạo chính trị tiếp thu. (Nguồn: Infoschools)

Trong vòng một thập kỷ tiếp theo, số học sinh tại các trường chuyên tăng vọt, từ 34.000 lên 270.000 học sinh. Điều đó phản ánh người dân Phần Lan quan tâm hơn tới giáo dục cho con em họ và được các nhà lãnh đạo chính trị tiếp thu. Trong một thập kỷ hậu chiến tranh, Nghị viện Phần Lan đã lập ra 3 Ủy ban cải cách giáo dục liên tiếp, đưa ra những sáng kiến nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về cơ hội giáo dục bình đẳng cho học sinh. Năm 1968, Nghị viện đã thông qua đạo luật quy định hệ thống giáo dục cơ bản mới, sáp nhập các trường tư thục vào trường công do chính quyền địa phương quản lý thống nhất và toàn diện cho các lớp học 1 - 9.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô (cũ) - đối tác thương mại chính, Phần Lan buộc phải đa dạng hóa chiến lược xuất khẩu và các ngành công nghiệp truyền thống khác. Thêm vào đó, cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 1990 đã kích thích Chính phủ đề ra chiến lược cạnh tranh quốc gia mới, với trọng tâm hỗ trợ khu vực tư nhân và phát triển viễn thông. Cùng với sự phát triển trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, quan hệ giữa giáo dục sau bậc phổ thông và khu vực công nghiệp ở Phần Lan cũng phát triển theo, không những thế còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới giáo dục bậc tiểu học và trung học. Các nhà tuyển dụng đã phát tín hiệu mạnh mẽ tới các trường học về nhu cầu tri thức và kỹ năng mà thanh niên Phần Lan cần được trang bị nhằm thích nghi và đáp ứng tình hình kinh tế mới.

Ở một số nước, cải cách giáo dục thường được thực hiện thông qua những chương trình mới như thu nhỏ quy mô lớp học, áp dụng phương pháp đánh giá mới hay phát triển chuyên môn. Tuy nhiên, cải cách giáo dục ở Phần Lan hoạt động theo cách ngược lại, với việc thiết lập hệ thống giáo dục chung nhất và toàn diện.

Một trong những nguyên tắc giáo dục của Phần Lan là trẻ em cần được giáo dục bình đẳng trong hệ thống trường học chung nhất, bất kể hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế và khả năng của học sinh. Các em được tạo điều kiện để phát huy khả năng ở mức cao nhất, chứ không chỉ đánh giá thành tích học tập qua vài kỳ thi chuẩn hóa. Vì vậy, hệ thống giáo dục Phần Lan không đơn thuần nhằm trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các trường cũng cung cấp dịch vụ toàn diện, bao gồm bữa ăn miễn phí ở trường, hoạt động ngoại khóa, dịch vụ y tế, định hướng và tư vấn tâm lý.

Mặc dù Phần Lan có chương trình giảng dạy quốc gia, nhưng trong 20 năm qua, nó chỉ đóng vai trò như chương trình khung, tạo không gian cho các nhà giáo dục lựa chọn nội dung và cách thức giảng dạy. Đơn cử, giáo viên có thể tự chọn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. Các lớp học được thiết kế để có thể tiếp cận từng học sinh, khuyến khích học sinh tự đánh giá và lựa chọn các môn học theo sở trường cũng như ý thích. Phương pháp đó đồng thời giúp làm tăng trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh đối với việc giảng dạy và học tập.

Không cho rằng hệ thống giáo dục của mình là hoàn hảo, người Phần Lan không ngừng nghiên cứu và cải thiện cho phù hợp với những thay đổi của xã hội.

(theo daibieunhandan.vn)