📞

Cái thiện và cái ác

18:00 | 29/08/2016
TGVN. Người ta sinh ra là Thiện, theo thuyết của Mạnh Tử hay Rousseau. Còn theo thuyết của Tuân Tử hay Rochefoucault thì người ta sinh ra là Ác. 

Chuyện thật mà như bịa, vượt sức tưởng tượng của nhà viết tiểu thuyết trinh thám.

Năm 2000, tôi được biết một tin khủng khiếp khiến dư luận cả nước Anh kinh ngạc. Tin như sau:

Bác sĩ Shipman ở miến Bắc nước Anh, đã bị kết án tù chung thân 15 lần. Sau khi tòa tuyên án, ông thẩm phán còn nói với tội phạm: “Trong trường hợp của ông, tôi cho ông biết tù chung thân sẽ là tù chung thân. Ông sẽ qua quãng đời còn lại của ông ở trong tù. Đó là lời nhắn nhủ của tôi”.

Bác sĩ Shipman, 54 tuổi, bị 15 án tù chung thân vì đã giết 15 phụ nữ tuổi từ 49 đến 81 tuổi. Khi nghe tuyên án, nét mặt ông dửng dưng, trong khi công chúng ở tòa án vỗ tay tán thưởng mức án: giết mỗi người 1 án tù chung thân, 15 người 15 án tù chung thân. Gia đình những người quá cố khóc lóc thảm thiết, quan tòa úy lạo họ và khen họ đã tỏ ra rất bình tĩnh trong bốn tháng xử án. Bộ trưởng Bộ Y tế phải tuyên bố ở Nghị viện những biện pháp an ninh để ngăn chặn những tội ác tương tự trong giới y học.

Năm 1992, bác sĩ Shipman đã mở phòng khám tại quận Hyde, ngoại ô thành phố Manchester. Ông làm bác sĩ thường xuyên trông nom cho một số gia đình. Mười lăm phụ nữ là nạn nhân của ông đều không ai mắc bệnh ác tính cả. Tất cả đều chết do ông cho tiêm “moóc-phin” quá liều. Tháng 3/1998, 6 tháng trước khi bắt ông bác sĩ, công an được một hãng tổ chức đám tang cho biết số chứng chỉ đám tang ông ký quá nhiều. Công an đã điều tra nhưng không có kết quả. Từ năm 1992, tổng số giấy chứng nhận khai tử do ông ký lên đến 202, nghĩa là gấp 5,6 lần so với các đồng nghiệp. Mãi đến trường hợp cuối cùng, cái chết của một bà bệnh nhân 81 tuổi, mới có chứng cớ phạm tội: ông đã đánh lừa chuyển chúc thư của bà ta ăn chặn 3 triệu Franc. Con gái nạn nhân không nhận được chữ ký mẹ, đi báo công an. Đào xác lên mới biết nguyên nhân chết. 14 xác khác đào lên cũng đưa đến cùng một kết quả.

Động cơ giết người là gì? Theo nhân viên công an, đó là “sự thích thú được thấy người chết”. Một bác sĩ tâm thần giải thích: đó là “sự say sưa quyền tối cao được quyết định ai phải chết”.

“Ám sát bệnh nhân do thích thú”, kết luận báo Pháp Thế giới. Cái ác nằm ngay trong con người.

Câu chuyện có thật này khiến ta nhớ lại cuốn tiểu thuyết hư cấu nổi tiếng của nhà văn Anh R.L.Stevenson: Bác sĩ Giê-kin và ông Hai-đơ (1886). Tác phẩm phân tích cái thiện cái ác trong một con người: bác sĩ Giê-kin, người hiền lành, tìm ra một thứ thuốc uống vào thì biến thành một quái vật lông lá, hung dữ. Tỉnh thuốc thì lại hiền lành. Cuối cùng, cái Ác thắng cái Thiện, ông giết người và tự tử.

Tấn bi kịch về cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác trong một con người cũng thể hiện một cách tuyệt vời trong văn học dân gian Việt Nam với câu chuyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt (vở kịch của Lưu Quang Vũ về đề tài này được hoan nghênh ở Mỹ).

Như vậy thì người ta sinh ra là Thiện, theo thuyết của Mạnh Tử hay Rousseau. Còn theo thuyết của Tuân Tử hay Rochefoucault thì người ta sinh ra là Ác. Trên cơ sở phân tâm học của Feud, ông bạn Mỹ Katsiaficas, nhà xã hội học cho là trong sâu lắng vô thức và tiềm thức của con người, song song tồn tại cái Ác và cái Thiện dưới hình thức xung năng chết, phá hoại (Thanatos), và năng lượng cảm xúc đoàn kết, gắn bó con người với nhau (Eros-effect).