Tháng 4, ngành ngoại giao Việt Nam đón chào thêm một thế hệ cán bộ trẻ, đa phần trong số họ là những 'công dân thế hệ Z'. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thế giới đang trải qua những thay đổi và khủng hoảng chưa từng thấy trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Dịch bệnh, mối lo ngại mới nhất bên cạnh những thách thức khí hậu, an ninh hay công nghệ, đang khiến nhân loại nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết rằng những vấn đề toàn cầu cần phải được giải quyết bằng những nỗ lực toàn cầu.
Là một quốc gia có trách nhiệm với vận mệnh chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang phát triển trên một lộ trình trung dung, hài hòa giữa khát vọng của quốc gia với những mục tiêu chung của nhân loại. Trên lộ trình đó, có sự đóng góp bền bỉ của ngành ngoại giao.
Bước vào thập niên mới của thế kỷ XXI, chứng kiến sự tổn thương của cộng đồng quốc tế trước những thách thức ngày càng phức tạp, ngành ngoại giao Việt Nam vừa tiếp tục phụng sự khát vọng phát triển của đất nước, vừa nỗ lực hết mình để lan tỏa thông điệp về một Việt Nam giàu thiện chí, đầy trách nhiệm, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế vượt qua những xung đột, khắc phục mọi trở ngại, kiến tạo nên một thế giới hòa bình, ổn định, tốt đẹp hơn.
Ở tầm "vi mô", thập niên mới cũng đang chứng kiến sự trưởng thành và gánh vác trách nhiệm của một lực lượng mới: những công dân thế hệ Z.
Thế hệ Z (Gen Z) là thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010. Dự đoán đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1 phần 3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. |
Hai mươi năm trước, họ là những đứa trẻ được sinh và lớn lên trong những điều kiện chưa từng có: mạng Internet, những thành tựu vượt trội của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Giờ đây, những đứa trẻ ngày nào đã trở thành thế hệ thanh niên tiếp theo của xã hội, nhận lãnh trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Tháng 4, ngành ngoại giao Việt Nam đón chào thêm một thế hệ cán bộ trẻ, đa phần trong số họ là những “công dân thế hệ Z”. Trong buổi lễ trao quyết định trang trọng, bước lên bục là những gương mặt phấn chấn, rạng ngời.
Vào ngành trong một thời điểm với nhiều trở ngại "chưa từng có tiền lệ", mỗi cán bộ trẻ đều tâm niệm cống hiến hết mình, và ý thức được rằng mình đang bước đi trên con đường vinh quang, với nền móng vững chắc đã được các thế hệ cha ông dày công xây đắp.
Kế thừa những di sản
“Thế hệ Z” có nhiều ưu thế đặc biệt khi đương đầu với những khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt. Vì được sinh trưởng trong khí quyển của một thời đại thông tin, nên một cách tự nhiên, mỗi thanh niên thế hệ Z đều có hiểu biết và ý thức trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu.
Ngày nay, rất ít thanh niên tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ hay ngô nghê khi được hỏi về biến đổi khí hậu, về các phong trào nhân quyền hay trí tuệ nhân tạo. Tất cả những tri thức có vẻ “vĩ mô”, cao vời ấy đều được cập nhật một cách chủ động, thậm chí với sự hứng thú, và được thảo luận thường xuyên trong những cuộc trò chuyện hằng ngày.
Đây là một đặc điểm mang thương hiệu của thế hệ Z – một thế hệ nhạy cảm với thông tin, sớm được kết nối với những biến động của thời đại, thành thạo việc tra cứu, tìm hiểu, nghiền ngẫm những vấn đề mình quan tâm bằng sự trợ giúp của công nghệ.
Nền tảng tri thức và kỹ năng ấy đã hỗ trợ rất nhiều cho những “lính mới” trong quá trình học tập để trở thành một cán bộ ngoại giao.
Mỗi một cán bộ trẻ đều hiểu rằng mình đang đặt những bước chân đầu tiên trên một hành trình đầy vinh quang.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và đích thân dìu dắt từ những ngày đầu, cho đến nay, trải qua 76 năm trưởng thành và phát triển, ngành ngoại giao Việt Nam đã đồng hành cùng lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, mang tính quyết định đối với vận mệnh của đất nước.
Ngoại giao đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi những tình thế hiểm nghèo, đồng hành cùng Cách mạng đi đến thắng lợi, tiên phong mở đường để đất nước hội nhập sâu rộng trong thời bình.
76 năm lịch sử là cả một hành trình miệt mài xây đắp, vun bồi, nỗ lực không mệt mỏi của những thế hệ nhà ngoại giao kỳ cựu, tâm huyết, hết lòng vì đất nước.
Mỗi bước chân của một cán bộ trẻ hôm nay, đều là bước chân tiếp nối một con đường vinh quang, đã được cha ông khai phá những đoạn gập ghềnh, hiểm trở, gian khổ nhất.
Đó là một tài sản lớn lao mà thế hệ trẻ được vinh dự kế thừa từ lớp tiền nhân đi trước, và cũng là truyền thống cao quý mà mỗi cán bộ trẻ có trách nhiệm gìn giữ, phát huy.
Mỗi cán bộ trẻ đều được vinh hạnh bước vào ngành trong sự chào đón, bảo ban trực tiếp, tận tình của các thế hệ nhà ngoại giao tiền bối.
Trước khi được nhận nhiệm vụ tại đơn vị, các công chức mới đều được tham gia khóa học Tiền Công vụ dưới sự hướng dẫn, giảng dạy trực tiếp, chân tình của những nhà ngoại giao kỳ cựu, có thâm niên. Nhưng đó chưa phải là “bước đệm” duy nhất trước khi chính thức trở thành công chức của ngành.
Sau khi hoàn thành khóa Tiền Công vụ, các cán bộ trẻ còn được trải qua hai tuần thực tập tại các đơn vị của Bộ, tận mắt chứng kiến những công việc “bếp núc” thường nhật tại một đơn vị ngoại giao.
Đó là khi mỗi cán bộ trẻ hiểu rằng, ngành Ngoại giao không phải chỉ là những khoảnh khắc “hào nhoáng”, với thảm đỏ hội nghị hay những chuyến tháp tùng lãnh đạo cấp cao, nơi những nhà ngoại giao xuất hiện đầy phong thái với trang phục chỉn chu và những chương trình nghị sự quan trọng, mà một ngày của công chức ngoại giao còn là rất nhiều công việc không tên, vất vả và thầm lặng.
Để rồi khi chính thức được phân công nhiệm vụ tại đơn vị mới, mỗi cán bộ trẻ càng thêm khâm phục, kính trọng tinh thần, kỷ luật lao động của các bậc tiền bối, và luôn có ý thức dốc sức, không ngại gian khổ, đặt vào từng công việc nhỏ nhặt nhất toàn bộ tâm huyết và sự cẩn trọng của mình.
Thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ đang từng ngày khắc ghi trách nhiệm và niềm vinh dự của mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bước tiếp tới tương lai
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những công dân thế hệ Z, sinh ra và lớn lên trong khí quyển hòa bình của một nước Việt Nam đang hội nhập và phát triển, cũng nhìn ngắm và cảm nhận được rõ ràng vận hội khởi sắc ấy.
Đất nước, dẫu đang đứng trước muôn vàn thách thức, nhưng đang khiến những công dân trẻ tuổi tin tưởng và tự hào hơn bao giờ.
“Thế hệ Z” trong ngành ngoại giao là một trong vô vàn minh chứng cho điều đó: không vị kỷ, không ham vui, không “mất phương hướng” hay cảm thấy lạc lõng giữa thời đại.
Họ là lớp thanh niên phấn khởi cống hiến tuổi trẻ của mình cho nền ngoại giao của đất nước, sẵn sàng nhận trách nhiệm với quốc gia, góp phần phụng sự khát vọng phát triển, phồn vinh của dân tộc.
Ngoại giao chính là thiện chí. 76 năm trưởng thành và phát triển của nền ngoại giao Việt Nam là 76 năm mà những nhà ngoại giao nỗ lực không ngừng để trình bày cho thế giới thiện chí của một Việt Nam chân thành, cởi mở, sẵn sàng hòa giải mọi xung khắc, tháo gỡ mọi vấn đề.
Cao hơn, đó là thiện chí của một Việt Nam tự tin cùng phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và xa hơn, là thiện chí của một Việt Nam với khát vọng cùng kiến tạo một cộng đồng thế giới hòa bình, ổn định, góp phần vun đắp cho sự thịnh vượng và hạnh phúc chung của mọi quốc gia trên thế giới.
Góp một phần nhỏ bé của mình vào chặng đường vất vả nhưng đầy vẻ vang ấy, thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ đang từng ngày khắc ghi trách nhiệm và niềm vinh dự của mình, và đem tâm thế ấy đi vào những ngày tháng cống hiện rộng dài của tương lai, đặt vào từng công việc bé nhỏ nhất nơi nhiệm sở.