TIN LIÊN QUAN | |
Bắc cầu cho khoai sắn quê mình | |
Kỷ niệm về tấm áo lính |
Cần thấy mình “như một đứa trẻ”
Nguyễn Duy Sơn - Chuyên viên Vụ Đông Bắc Á, Bí thư Đoàn Bộ Ngoại giao |
Từ khi vào ngành, được đọc nhiều, tìm hiểu kỹ hơn và được thực hiện nhiệm vụ theo phân công, tôi luôn thấy có động lực. Tuy nhiên, áp lực trong công việc cũng không ít. Trước hết là quan niệm “ngoại giao vô tiểu sự” đặt ra yêu cầu luôn phải cẩn trọng, chu đáo, tỉ mỉ. Tiếp theo là yêu cầu về thời gian trước các tình hình, diễn biến liên quan ngày càng mau lẹ, phức tạp. Một điều quan trọng nữa là công việc ngày càng cần đến những kỹ năng mới, kiến thức mới, tư duy sáng tạo hay ít nhất là không bị tư duy lối mòn sau một thời gian làm những việc đã “tay quen”.
Tôi nhớ có lần nghe đồng chí lãnh đạo một Vụ của Bộ chia sẻ rằng, dù đã là cán bộ ngoại giao hơn 30 năm nhưng anh vẫn cảm thấy mình “như một đứa trẻ” trong nghề ngoại giao, vẫn phải học thật nhiều. Tôi thấy từ câu nói của anh ngoài sự khiêm tốn là một tình yêu rất lớn đối với nghề. Là một cán bộ trẻ, tôi càng nghĩ mình phải học hỏi thật nhiều nhưng tôi thấy tự tin vì thế hệ cán bộ ngoại giao lớp trước chắc chắn sẽ dìu dắt, hướng dẫn tốt nhất cho chúng tôi.
Bước tiến lớn trong cuộc đời
Trương Thanh Thanh – Chuyên viên Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao |
Nhiều người vẫn nói, vào Bộ Ngoại giao là một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Riêng với tôi, được trở thành cán bộ của Bộ là một bước tiến lớn, chứ không hẳn là bước ngoặt. Trải qua một kỳ thi đầy thử thách, tôi vẫn nhớ cảm giác nhận Quyết định tuyển dụng hôm ấy, nghèn nghẹn khó nói nên lời, vì những khó khăn đã trải qua, vì sự tự hào muốn trao về gia đình, vì sự hứng khởi khi thấy sự ngời sáng của 50 gương mặt xuất sắc xung quanh.
Chúng tôi hẳn khó có thể quên niềm tự hào ánh lên trong mắt Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, niềm vui trong giọng kể của Đại sứ Phạm Sanh Châu, thậm chí là cả những giọt nước mắt của các anh, các chị trong hai tháng học Tiền công vụ. Ngọn lửa đó, tôi nghĩ, là lòng yêu nghề, niềm tự hào và trách nhiệm với sứ mệnh được trao mà lớp lớp cán bộ ngoại giao cùng nhau hun đúc, và nay chúng tôi là những người có trách nhiệm phải gìn giữ, tiếp nối và phát triển.
Riêng với tôi, được làm việc tại Ban Nghiên cứu Chính sách biển, Uỷ ban Biên giới quốc gia là một cơ duyên. Tuy lạ lẫm, nhiều khó khăn và vô vàn vất vả, nhưng lửa nghề ấy vẫn giúp tôi tìm thấy ý nghĩa, sự thú vị và mới mẻ mỗi ngày để phấn đấu học hỏi, tận dụng cơ hội để duy trì và phát huy cả hai ngoại ngữ đã nhiều năm tích luỹ trong một môi trường rèn luyện cường độ cao mà các sinh viên mới ra trường luôn ao ước có được.
Cảm nhận sâu sắc những giá trị ngành Ngoại giao
Nguyễn Đồng Anh - Giảng viên Khoa Truyền thông & Văn hoá Đối ngoại - Học viện Ngoại giao |
Con đường đến với ngành Ngoại giao của tôi không hề dễ dàng, bởi tôi đã phải trải qua ba kỳ thi tuyển dụng trong 6 năm mới chính thức được trở thành một công chức của Bộ. Trước đó, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn mơ ước được làm việc trong ngành Ngoại giao. Đối với những người trẻ chúng tôi, hình ảnh ngành Ngoại giao luôn là một hình ảnh giàu truyền thống, danh giá và hết sức năng động. Đến khi được sống trong môi trường đó, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị này.
Ngay từ những bước chân đầu chập chững vào ngành, những công chức trẻ như chúng tôi đã được dìu dắt bởi các thế hệ đi trước thông qua những buổi chia sẻ kinh nghiệm và các lớp học tiền công vụ. Bên cạnh đó, những câu chuyện của các bậc tiền bối đã truyền lửa nhiệt huyết, lòng yêu nghề làm cho mỗi chúng tôi thêm khát khao cống hiến.
Là một công chức mới vào ngành, với công việc là một giảng viên chuyên ngành Truyền thông quốc tế ở Học viện Ngoại giao, bản thân tôi cảm thấy mình luôn được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, trau dồi kiến thức, đồng thời có cơ hội để phát huy khả năng của mình. Trong năm đầu tiên là công chức Bộ, tôi đã được lãnh đạo Bộ tin tưởng cử đi thi Tin học trẻ toàn quốc và đoạt giải Ba, sau đó là được cử đi Trường Sa cùng Đoàn khối các cơ quan Trung ương. Mới đây nhất, khi được hãng Apple mời đến Hội nghị phát triển công nghệ toàn cầu tại Mỹ, tôi cũng đã được lãnh đạo Bộ cho phép tham dự. Đó là cơ hội tuyệt vời để những giảng viên trẻ như tôi cập nhật kiến thức, bổ sung vào nội dung bài giảng của mình những ví dụ thực tiễn, sinh động.
Trước khi trở thành những nhà ngoại giao, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ đã gác bút nghiên, lên đường ra mặt trận. ... |
Qatar - Chặng đường đầu tiên, hành trình ý nghĩa Là cán bộ ngoại giao trẻ và lần đầu tiên đi công tác nhiệm kỳ, nhưng anh Trần Đình Việt, chuyên viên Vụ Tây Á ... |
Chiến lược “phát triển và hội nhập” đã nâng cao và cân bằng các sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao của Việt ... |