GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo Khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. |
Mới đây, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. Vấn đề làm thế nào để xây dựng liêm chính học thuật đã được các chuyên gia đưa ra bàn thảo.
GS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng vấn đề liêm chính học thuật trong thời gian qua tuy chưa thành quy chế độc lập nhưng đã được lồng ghép và quy định rất rõ trong các yêu cầu đào tạo.
Chẳng hạn từ năm 2017 tới nay, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, các luận án tiến sĩ đã được quét trùng lặp, sau đó dần được mở rộng ra quét các luận văn thạc sĩ và hiện tại đến khối đại học là quét những sản phẩm khoa học dùng kinh phí của nhà trường.
Dù vậy, theo GS. Hoàng Anh Tuấn, vẫn cần thiết phải có khung quy định về vấn đề liêm chính học thuật từ góc độ quản lý nhà nước.
Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận cần phải có một công cụ chuẩn và khung quy định để kiểm soát trích dẫn.
Theo ông Đức, hiện nay một số cơ sở đưa ra quy định về việc trích dẫn, chẳng hạn nếu tự trích trên 30% hoặc trích dẫn của người khác trên 20% là vi phạm. Tuy nhiên thực tế khi sử dụng phần mềm quét trùng lặp của Việt Nam có thể chỉ ra 20%, nhưng khi đưa vào phần mềm nước ngoài lại lên tới hơn 60%.
“Do đó, việc cần có một công cụ chuẩn để kiểm tra trùng lặp, đạo văn là cần thiết. Công cụ này có thể sử dụng để kiểm tra ngay trước khi học viên bảo vệ luận văn, luận án”, GS.TS. Nguyễn Đình Đức nói.
Ông cho biết ở một số nước, văn hóa chống đạo văn, kiểm tra trùng lặp đã được thực hiện từ bậc phổ thông, ngay trong các bài luận. “Nếu không nghiêm túc với vấn đề liêm chính thì nền khoa học sẽ trở nên hỗn loạn”, ông Đức nói.
TS .Dương Tú, Đại học Purdue (Mỹ). |
PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhìn nhận trong các ngành nghề, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo đòi hỏi sự liêm chính cao nhất, bởi những thứ các nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ, chân lý. Tuy nhiên hiện nay các vi phạm về liêm chính rất tinh vi và phức tạp.
Dẫu vậy, ông khẳng định Việt Nam không phải là “hoang mạc” về liêm chính khoa học. Thậm chí, chúng ta có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, nghị định hay các quy định của nhiều trường, nhiều tạp chí.
“Chẳng hạn mới đây tại Hội đồng Triết học - Chính trị học - Xã hội học họp rất căng thẳng. Trong số 24 đề tài chỉ thông qua được khoảng hơn 30%.
Có điều, chúng ta chưa có một “mũ chung” về luật, do đó cần xây dựng khung quy định tổng thể, đồng thời cần có một số đơn vị tiên phong đầu ngành mang tính chất dẫn dắt về liêm chính khoa học”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nói.
TS. Dương Tú, Đại học Purdue (Mỹ), nhận định hình thức vi phạm liêm chính hiện ngày càng tinh vi và phức tạp. Chuyện đạo văn, chỉnh sửa số liệu đã trở thành hình thức “cổ điển” từ nhiều năm nay.
Theo ông, với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đã sinh ra nhiều hình thức gian lận mới, thậm chí có thể tạo ra một mạng lưới từ tác giả, chuyên gia bình duyệt cho đến tổng biên tập các tạp chí “dởm”.
“Nếu không ý thức được sự tồn tại của các hình thức gian lận tinh vi như vậy sẽ tạo ra sự nhũng loạn”, TS. Dương Tú nói.
Để xây dựng nền khoa học liêm chính, trong sạch, theo TS. Dương Tú, cần có sự cải cách trong việc đánh giá nghiên cứu. Thay vì chạy theo số lượng, các nhà khoa học cần tập trung vào chất lượng nghiên cứu bằng việc quay lại bản chất của khoa học là sáng tạo tri thức, phát hiện tri thức để phục vụ xã hội.
“Nhà nghiên cứu phải cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc khi được xã hội tài trợ cho nghiên cứu để phục vụ cho cộng đồng. Ngoài ra, cần có chính sách đảm bảo lợi ích cho nhà khoa học, để nhà khoa học có thể sống đàng hoàng, yên tâm công tác mà không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính để lấy miếng cơm manh áo, lo cho cuộc sống hàng ngày”, TS. Dương Tú nói.
Trong khi đó, GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhà khoa học vi phạm liêm chính vì hoàn cảnh, cần phải thay đổi hoàn cảnh.
“Nếu nhà khoa học không đủ ăn, họ không có gì để mất. Vì thế, họ bất chấp bán bài, phớt lờ cộng đồng, thậm chí xây dựng hẳn “băng đảng” để viết bài”. Do đó, GS.TS Phùng Hồ Hải cho rằng cần phải đảm bảo cơ chế để nhà khoa học có thể yên tâm làm việc tốt hơn.
| Cần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu ... |
| Tăng lương để tạo động lực cho sự phát triển và 'giữ chân' người tài TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng lương tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, thu hút người tài... |
| Du lịch Thanh Hóa 'mở cửa' ra thế giới Để mở cửa ra thế giới, du lịch Thanh Hóa cần có chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn cũng như có các sản ... |
| TS. Trịnh Lê Anh: Việt Nam cần chú trọng vào du lịch bền vững, trải nghiệm độc đáo Chuyên gia du lịch – sự kiện, TS. Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa ... |
| Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng trong thời đại mới Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - ... |