Mali ban bố tình trạng khẩn cấp sau vụ căn cứ quân sự ở miền Trung nước này bị tấn công. Ảnh: AFP |
Trong một tuyên bố, chính quyền Bamako cho hay sẽ để quốc tang từ ngày 21/7 để tưởng nhớ những nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố ở Nampala và tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 10 ngày.
Trước đó, ngày 19/7, một nhóm các tay súng trang bị vũ khí hạng nặng đã tấn công căn cứ quân sự ở thành phố Nampala và giành được quyền kiểm soát căn cứ nằm ở khu vực hoang mạc gần biên giới với Mauritania, khiến quân đội Mali phải rút về thành phố Diabaly gần đó.
Chính phủ Mali cho biết những kẻ tấn công đã nổ súng vào nhiều vị trí trong căn cứ, đốt các tòa nhà và cướp bóc. Đây là vụ tấn công quy mô nhất trong nhiều tháng qua nhằm vào lực lượng quân đội Mali.
Sau vụ tấn công, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã tổ chức cuộc họp an ninh khẩn với Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và các tư lệnh quân đội.
Bộ trưởng Quốc phòng Mali Tieman Hubert Coulibaly gọi đây là “vụ tấn công khủng bố có phối hợp” nhằm vào nhiều vị trí, song không khẳng định nhóm nào đã thực hiện vụ tấn công.
Có thông tin 3 nhóm phối hợp tiến hành vụ tấn công này, gồm nhánh Al-Qaeda ở Bắc Phi, nhóm Mặt trận Giải phóng Macina (FLM) và nhóm vũ trang sắc tộc Peul.
Thủ lĩnh của FLM, phần tử Hồi giáo cực đoan Amadou Koufa từng tuyên bố đã thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh ở miền Trung Mali.
Trong khi đó, hãng tin Pháp AFP dẫn lời một chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang sắc tộc Peul thừa nhận lực lượng này đã tiến hành vụ tấn công căn cứ ở Nampala, giết hại 8 binh sĩ quân đội và làm 11 người bị thương, thu về chiến lợi phẩm là 7 xe tải và bán tải.
Tuy nhiên, các nguồn tin an ninh trong khu vực nghi ngờ tính xác thực của tuyên bố này.
Hiện Chính phủ Mali đang phải đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các nhóm Hồi giáo ở miền Bắc đất nước.