Tọa đàm do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, với chủ đề “Xung đột môi trường, tác động xã hội và công lý môi trường: Nghiên cứu các trường hợp, phân tích và gợi ý chính sách đối với Việt Nam”. Sự kiện thu hút sự tham dự của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia về môi trường.
Giám đốc UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen phát biểu tại Tọa đàm. (Nguồn: UNDP) |
Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã nêu bật sự cần thiết phải hiểu rõ những động thái xung đột môi trường tại Việt Nam, những tác động chính trị và kinh tế xã hội để bảo vệ quyền về môi trường cũng như tiếp cận công lý cho những người chịu ảnh hưởng.
Bà cho biết: “Các trường hợp được nghiên cứu và kinh nghiệm từ các nước chỉ ra ba yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quyền môi trường: Thứ nhất là lấy ý kiến của cộng đồng trước khi tiến hành những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường. Thứ hai là đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Và cuối cùng là đảm bảo tiếp cận tới tòa án hoặc bất kỳ cơ thế hòa giải nào để giải quyết xung đột môi trường”.
Còn theo GS. Trần Thọ Đạt, phần lớn các nghiên cứu và sáng kiến chính sách ở Việt Nam hiện nay đều tập trung vào yếu tố kiểm soát môi trường, mà chưa chú trọng nhiều đến công lý môi trường. Đánh giá thấp vai trò của công lý môi trường cũng là một nguyên nhân làm nảy sinh xung đột và thổi bùng xung đột môi trường.
Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: M.P) |
GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh: “Xung đột môi trường không chỉ là vấn đề kinh tế - kỹ thuật mà còn là vấn đề xã hội. Kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào kênh quản lý hành chính của nhà nước thì không thể quản lý hiệu quả ô nhiễm và giải quyết tốt các xung đột môi trường. Do đó, cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức chuyên môn vào hệ thống quản lý môi trường”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày và thảo luận về những phát hiện trong các nghiên cứu chuyên đề mới nhất, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân và hậu quả của các xung đột môi trường đã và đang diễn ra. Khi xung đột môi trường, đặc biệt giữa người dân và các doanh nghiệp, có chiều hướng gia tăng, điều quan trọng là cần đảm bảo tốt công lý môi trường và đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định các vấn đề môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.