Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ phải) dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. |
Và đúng 50 năm trước (1965), người chiến sĩ ấy được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm cương vị quan trọng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông là Nguyễn Duy Trinh - vị Bộ trưởng kiệt xuất của ngành Ngoại giao.
Khởi đầu là tham gia đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại đàm phán Paris (1968-1973) và sau đó là trong công việc, đời thường, nhà báo Hà Đăng đã có dịp gặp gỡ, học hỏi từ nhiều nhà ngoại giao cách mạng, đặc biệt trong số đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.
Hai lần “hụt” làm Thư ký
Trong vô số câu chuyện vừa hài hước vừa xen lẫn đôi chút tiếc nuối, nhà báo Hà Đăng nhớ lại hai lần suýt trở thành người kề cận trong công việc với ông Nguyễn Duy Trinh.
Nhà báo Hà Đăng sinh ra ở Tuy Hòa, nơi tên tuổi của đồng chí Nguyễn Duy Trinh được biết đến khá sớm, ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đúng 65 năm trước, tại Trường Trung học bình dân miền Nam Trung Bộ, học viên Hà Đăng lần đầu được gặp Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Trung Bộ Nguyễn Duy Trinh, khi ông đến thăm Trường. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công sang làm việc ở Văn phòng Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Trung Bộ và tưởng là sẽ được làm việc cho Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Duy Trinh. Nhưng sau đó, ông được chuyển sang Ban đại diện Văn hóa cứu quốc miền Nam Trung Bộ và Chi hội văn nghệ Liên khu V, rồi về báo Nhân dân Liên khu V.
Lần thứ hai, sau khi học ở Liên Xô về (9/1964), cơ hội làm Thư ký riêng cho Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và sau đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh của ông Hà Đăng lại một lần nữa bị lỡ hẹn do tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, ông Hà Đăng quay trở lại chiến trường.
|
Cây viết bình luận sắc sảo Hà Đăng cũng không ngờ rằng, từ chỗ chỉ theo dõi tình hình, dự cảm thì chính ông sau đó đã bắt duyên với hội nghị hòa bình kéo dài nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế thế kỷ XX - Hội nghị Paris. Chiều 9/11/1968, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Hoàng Tùng bất ngờ đến gặp ông và nói: “Anh phải chuẩn bị gấp để đi Paris, làm phụ tá cho bà Nguyễn Thị Bình”.
Mang tên mới là Đặng Ninh Đăng, nhà báo 39 tuổi lên đường. Ông không nghĩ rằng mình sẽ làm công việc soạn thảo các bài phát biểu cho Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nghiên cứu đấu pháp đằng đẵng gần năm năm trời. Những năm tháng ở Paris chính là một quá trình tôi luyện và trưởng thành của nhà báo Hà Đăng khi ông được làm việc trực tiếp không chỉ với Trưởng đoàn miền Nam Nguyễn Thị Bình, mà cả với Trưởng đoàn miền Bắc Nguyễn Duy Trinh.
CP 80 và vị Bộ trưởng luôn lắng nghe cấp dưới
Sau Thông cáo chung ngày 13/6/1973, nhà báo Hà Đăng về nước nhận công tác tại CP 80 - cơ quan theo dõi, chỉ đạo thi hành Hiệp định Paris đặt tại Bộ Ngoại giao. Đây là giai đoạn để lại cho nhà báo Hà Đăng nhiều kỷ niệm, tình cảm sâu sắc với Bộ Ngoại giao, nhất là với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh. Với ông, đó là nhà chiến lược xuất sắc, người lãnh đạo tài năng, nguyên tắc và thân tình. Ông nhớ lại: “Làm việc gì đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng suy nghĩ rất cẩn trọng, cân nhắc chín chắn, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, không chỉ từ các cán bộ cấp cao, mà cả ở các nhân viên cấp dưới - những chuyên gia giúp việc cho mình”.
Năm 1974, kỷ niệm một năm Hội nghị Paris, ông Hà Đăng được phân công dự thảo bài viết cho Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đang lo lắng chưa biết phải làm thế nào thì Bộ trưởng gọi ông đến, chia sẻ các cách tiếp cận đề tài bài viết, nhất là thông tin sau Hội nghị Trung ương 21 về giải phóng miền Nam. Bộ trưởng đọc cho ông nghe nội dung Nghị quyết, nhưng lại dặn: đọc để biết, để nhớ nhưng không được sao chép. Nhờ đó, ông đã nhanh chóng hoàn thành bài viết, sau khi được đích thân Bộ trưởng sửa chữa cẩn thận.
Cuối năm 1974, Bộ Chính trị họp hội nghị đặc biệt về kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Một số ý kiến, kể cả ngay trong nội bộ ngành Ngoại giao, còn khác nhau về thời điểm thực hiện Tổng tiến công: một là năm 1976, vì lúc đó chính quyền Mỹ đang dồn sức vào bầu cử tổng thống, khó lòng đối phó với ta; hai là năm 1975, do sự phát triển của tình hình đã đến lúc chín muồi.
Cuối tháng 12/1974, tranh thủ lúc Bộ Chính trị nghỉ họp, ông Nguyễn Duy Trinh triệu tập một số đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cùng CP 80 và đề nghị anh em cho biết ý kiến từ góc độ ngoại giao về vấn đề này.
Nhà báo Hà Đăng nhớ lại, hôm đó người đứng đầu Bộ Ngoại giao đã chăm chú lắng nghe và ghi chép rất tỉ mỉ ý kiến của cấp dưới về vấn đề này. Suy nghĩ của đa số anh em gắn với so sánh lực lượng hai phía, với sự xem xét tổng thể ba yếu tố chính trị, quân sự, ngoại giao. Bối cảnh quốc tế rất quan trọng nhưng so sánh lực lượng tại chiến trường có ý nghĩa quyết định. Trên thực tế, nhóm ý kiến này về sau đã được vận dụng, đúng như các diễn biến tại miền Nam năm 1975.
Nhà báo Hà Đăng hiểu rằng, trong nghị quyết được nhất trí cao của Bộ Chính trị về quyết định trọng đại này, có lá phiếu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.
“Thời gian làm việc với ngành Ngoại giao giúp tôi tiến bộ nhiều. Những năm gần đây, tôi cho là ngành Ngoại giao có những đóng góp lớn trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Bộ Ngoại giao, tôi xin gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các đồng chí!” (Nhà báo Hà Đăng) |
Nguyên Bảo (ghi)
Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910- 20/4/1985) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 4/1965 đến tháng 2/1980. Là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh có sự bất đồng sâu sắc trong phe xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo sát sao của ông, mặt trận ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị, quân sự - vừa đánh, vừa đàm; phối hợp nhịp nhàng trong đấu tranh ngoại giao của hai miền Nam - Bắc và nghệ thuật đàm phán của ngoại giao Việt Nam, mà đỉnh cao là thành công của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Sau năm 1975, trước yêu cầu mới của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã sớm nêu ra nhiệm vụ ngoại giao phục vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Về xây dựng Ngành, ông đề xuất việc xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ cấp Vụ trẻ và qua hoạt động thực tiễn, đã đào tạo nhiều đội ngũ cán bộ ngoại giao giỏi cho đất nước. |