Đại sứ Việt Nam tại Canada Tô Anh Dũng. |
Xin Đại sứ cho biết nét đặc trưng trong văn hóa Canada?
Có khá nhiều điểm có thể nói về những giá trị truyền thống, biểu tượng quốc gia, nét đẹp văn hóa... của dân tộc đa sắc tộc này. Nhưng có lẽ, nét đặc trưng lớn nhất trong văn hóa xứ sở lá phong chính là sự đa dạng được hình thành trên cơ sở tổng hòa các giá trị văn hóa của các nhóm cộng đồng sắc tộc di cư đến đây. Có thể ví văn hóa Canada giống như một bức tranh hết sức sinh động, được dệt nên bởi tập hợp các tôn giáo, tín ngưỡng và các tiểu văn hóa dân tộc đến từ các châu lục.
Ngày nay, người dân Canada không phân biệt nguồn gốc, màu da đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền giữ bản sắc riêng trong đa dạng văn hóa các sắc tộc; cùng nhau phấn đấu xây dựng những giá trị văn hóa chung của Canada về sự công bằng, tiến bộ, tôn trọng pháp luật, lòng bao dung và sự thống nhất trong đa dạng.
Từ năm 1971, Canada là nước đầu tiên trên thế giới thực thi chính sách đa văn hóa và sau đó ban hành thành đạo luật quốc gia. Khi so sánh văn hóa Mỹ và Canada, người ta thường ví Mỹ như là một “nồi nung” (melting pot), trong đó văn hóa của những người nhập cư khi vào đây đều bị “tan chảy”, hòa vào một chuẩn mực chung để hình thành dân tộc Mỹ. Trong khi đo, Canada lại được ví như là một “mảnh ghép” (mosaic) hoàn hảo khi mỗi cộng đồng hòa mình vào văn hóa dân tộc nhưng vẫn giữ được bản sắc của riêng mình.
Vậy có phải điều đó đã khiến quốc gia này có được những thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như quảng bá văn hóa ra thế giới?
Trong nhiều năm qua, chính sách quốc gia về đa văn hóa của Canada đã giúp cho người dân, nhất là những người mới đến nhập cư cảm thấy an tâm, tự tin và cởi mở hơn khi hội nhập vào xã hội sở tại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng các giá trị chung của xã hội. Mô hình “đa văn hóa, đa sắc tộc” của Canada được đánh giá là khá thành công. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, văn hóa Canada được xây dựng trên khái niệm phục vụ cho “công dân toàn cầu” và nên chia sẻ kinh nghiệm này với các nước khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bản thân từ “đa văn hóa” đã thể hiện Canada không có văn hóa cốt lõi và như vậy sẽ thiếu đi chất keo gắn kết trong xã hội. Từ năm 1995, Chính phủ Canada đã chính thức đưa văn hóa trở thành trụ cột thứ ba trong chính sách đối ngoại, cùng hai trụ cột an ninh và kinh tế. Với một xã hội mở, đa sắc tộc, gồm các nhóm cộng đồng có cội nguồn từ gần 200 nước thì đây chính là cầu nối có giá trị và hiệu quả để đưa văn hóa của Canada ra thế giới.
Là điểm đến lý tưởng đối với nhiều người di cư, Canada đã triển khai những chính sách gì để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời vẫn bảo tồn được văn hóa dân tộc?
Từ năm 1993, Bộ Di sản Canada đã được thành lập, với nhiệm vụ quản lý và ban hành các chính sách về văn hóa, đồng thời ban hành nhiều văn bản như Luật công nhận hai ngôn ngữ chính Anh và Pháp (1969), Hiến chương về các quyền và tự do (1982), Đạo luật về đa văn hóa (1988) và một số luật, quy định khác về các lĩnh vực bản quyền, di sản, nghệ thuật, âm nhạc, truyền thông... Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cho xây dựng rất nhiều cơ sở lưu trữ, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, nghệ thuật và hỗ trợ kinh phí tổ chức các lễ hội văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật, các sinh hoạt cộng đồng...
Tuy nhiên, Canada đang đứng trước thách thức về sự “xâm lấn văn hóa” từ bên ngoài đối với thị trường sản phẩm văn hóa ở trong nước, gây nên sự mất cân đối khá lớn, đe dọa bản sắc văn hóa riêng của Canada.
Việt Nam cách Canada nửa vòng Trái đất về khoảng cách địa lý. Theo Đại sứ, hai nước có điểm chung nào về văn hóa và chúng ta có thể học tập gì ở bạn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa?
Việt Nam và Canada đều có điểm chung là đa sắc tộc và đa văn hóa. Do đó, hai nước có thể chia sẻ và bổ sung kinh nghiệm cho nhau trong một số vấn đề như: Làm thế nào để đảm bảo được sự thống nhất trong đa dạng; phát huy văn hóa chung của dân tộc nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số; hội nhập với thế giới bên ngoài nhưng không bị hòa tan...
Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi từ phía bạn những kinh nghiệm quản lý mô hình “đa sắc tộc, đa văn hóa”. Đặc biệt là việc ban hành và thực thi chính sách đa văn hóa cũng như một số chính sách khác góp phần tạo thêm động lực để mọi người dân cùng nhau xây dựng các giá trị văn hóa chung trong khi vẫn giữ bản sắc riêng của mình.
Đại sứ có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân cho thấy sự đa dạng văn hóa của quốc gia này?
Cảm nhận ban đầu của tôi khi đến Canada là đất nước này hết sức rộng lớn và rất đa dạng. Các vùng miền cũng rất đa dạng và có nhiều màu sắc văn hóa khác nhau. Có thể liệt kê rất nhiều địa danh ở Canada trùng tên với nước ngoài như London, Perth, Waterloo, Mississippi...
Khi đến Toronto, người ta có cảm tưởng như đang sống ở một thành phố hiện đại ở châu Mỹ, nhưng khi đến Montreal hay Quebec thì lại giống như đang ở Pháp, còn khi sang Vancouver ở phía bờ Tây thì lại thấy thành phố mang rất nhiều dáng vẻ của châu Á... Với thành phần "đa sắc tộc" và văn hóa giao tiếp cởi mở, sự thân thiện của người dân Canada làm cho những người nước ngoài và người mới đến nhập cư không thấy có sự phân biệt, đối xử và có cảm giác như đây là miền đất dành cho tất cả mọi người.