Ông Trump muốn có được lần tấn công quân sự trực tiếp vào Iran, gây thiệt hại cho Iran mà không phải giao tranh vũ trang trực diện với Iran. Biếm họa của Hassan Bleibel. |
Năm mới 2020 bắt đầu theo cách riêng của nó đối với nước Mỹ và cá nhân Tổng thống nước này Donald Trump. Triều Tiên đã gửi Quà Giáng sinh đến như đã tuyên cáo nhưng món quà ấy hiện mới chỉ được miêu tả chứ chưa trong hình hài cụ thể. Iran đã bị phía Mỹ đẩy vào vòng xoáy đối địch mới và lần này diễn ra ở Iraq. Cả hai điều này làm lu mờ việc Mỹ và Trung Quốc dự kiến ký kết Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 tới này. Phía Mỹ cho thấy chủ ý tiếp tục chờ những động thái cụ thể tiếp theo đây của Triều Tiên nhưng lại chủ động hành động trong lần bùng phát đối địch mới với Iran.
Đối địch leo thang quyết liệt
Sau những cáo buộc Iran đứng phía sau tổ chức Kaitaib Hezbollah ở Iraq tiến hành những vụ tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq, Mỹ tiến hành không kích tổ chức này ở Iraq và Syria. Mỹ đưa thêm binh lính đến Iraq sau khi hàng trăm người Iraq biểu tình phản đối, tìm cách xâm nhập và phá phách trụ sở đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq.
Cho dù phía Iran bác bỏ mọi cáo buộc nói trên của Mỹ, song Mỹ mới đây nhất tấn công bằng tên lửa nhằm vào tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Ông Soleimani là một trong những tướng lĩnh cao cấp nhất của Iran và là nhân vật đầu tiên thuộc diện lừng danh của Iran bị Mỹ trực tiếp tiêu diệt.
Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy vòng đối địch hiện tại này giữa Mỹ và Iran đã leo thang đến mức độ quyết liệt như thế nào và việc Mỹ chủ ý truy sát tướng Soleimani sẽ có tác động mạnh mẽ và gây ra hệ luỵ tai hại như thế nào cho mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trong thời gian tới.
Ông Soleimani là đại diện nổi tiếng nhất của giới quân sự Iran ở bên ngoài Iran. Mỹ coi lực lượng Quds do ông Soleimani làm tư lệnh là khủng bố. Xem ra, phía Mỹ đã mưu tính và chuẩn bị sẵn sàng cũng như chờ đợi từ lâu cơ hội thuận lợi để sát hại ông Soleimani và chỉ chờ dịp người này đi ra khỏi Iran là hành động.
Răn đe và cảnh báo
Với quyết định tiêu diệt tướng Soleimani, ông Trump đồng thời nhằm tới nhiều mục đích.
Thứ nhất, ông Trump muốn gây dựng và thể hiện hình ảnh về tổng thống quyết đoán và tư lệnh quân đội hành động mạnh mẽ trong con mắt của cử tri Mỹ, như thế có lợi không thể định lượng và định tính được cho triển vọng tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ. Trong khi vẫn còn phải chờ đợi những bước đi mới của Triều Tiên, ông Trump tạo dựng cho mình con chủ bài vận động tranh cử mới với việc gia tăng mức độ đối địch Iran và truy sát ông Soleimani.
Thứ hai, ông Trump muốn có được lần tấn công quân sự trực tiếp vào Iran và gây thiệt hại cho Iran mà không phải giao tranh vũ trang hay chiến tranh trực diện với Iran.
Đấy là cách chơi "Vu gián tiếp, đả trực tiếp" của ông Trump, tức là cáo buộc Iran tiếp tay cho những tổ chức và lực lượng chống đối Mỹ nhưng lại tung đòn nhằm trực tiếp đến Iran. Vụ không kích này còn là cách ông Trump rửa hận phải chịu khi Iran bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ ở Eo biển Hormuz.
Thứ ba, phía Mỹ nhấn mạnh mục đích răn đe và cảnh báo Iran nhưng đồng thời còn cả răn đe và cảnh báo tất cả những tổ chức hay lực lượng theo phe Iran gây bất lợi cho Mỹ ở trong khắp khu vực vùng Vịnh và Trung Đông chứ không phải chỉ có ở Iraq và Syria.
Mạo hiểm chưa từng thấy
Khi quyết định tấn công tổ chức Kaitaib Hezbollah ở Iraq và Syria cũng như tiêu diệt tướng Soleimani, ông Trump chắc chắn đã phải trù liệu trước là cuộc trả thù của Iran sớm muộn rồi cũng sẽ diễn ra và Mỹ hiện diện ở bất cứ đâu trong khu vực này cũng đều có thể trở thành mục tiêu bị trả thù và Iraq là nơi chuyện ấy dễ xảy ra nhất trong thời gian sớm nhất.
Iran chắc sẽ không trực tiếp tấn công quân sự trực diện Mỹ mà sẽ dùng cách khác, sẽ gián tiếp chứ không trực tiếp, tức là thông qua những lực lượng đồng minh của Iran ở khu vực này. Đối phó với những lực lượng này, Mỹ gặp khó khăn gấp bội lần so với đối phó trực tiếp Iran.
Mức độ đối địch nhau giữa Mỹ và Iran lại một lần nữa leo thang đến đỉnh điểm như đã từng xảy ra trong năm ngoái. Phía Mỹ đã mạo hiểm như chưa từng thấy trong chuyện xung khắc và đối địch với Iran.
Nhưng cả hai phía vẫn sẽ kiểm soát tình hình và kịp thời dừng lại trước khi đi quá đà và vượt quá giới hạn. Iran sẽ đáp trả Mỹ nhưng cũng chỉ đến mức đủ để có được tác động răn đe và cảnh báo Mỹ, đủ để giữ thể diện và đủ để trang trải nhu cầu đối nội.
Mỹ và Iran giờ có thêm cuộc đối địch ở Iraq nên khúc mắc giữa hai bên về chương trình tên lửa và vấn đề hạt nhân của Iran càng thêm khó có thể được giải quyết - trong năm 2020 này chắc chắn là chưa.