Căng thẳng Nga-phương Tây đang leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine. (Nguồn: mfaua.org) |
Mỹ hết kiên nhẫn?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến cáo nhân viên không thiết yếu cùng gia đình họ tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine rời khỏi nước này, đồng thời cân nhắc triển khai binh lính và khí tài đến Đông Âu và khu vực Baltic. Động thái này làm gia tăng nỗi lo sợ về nguy cơ Nga sẽ tiến hành hoạt động quân sự nhằm tấn công Ukraine.
Sự tính toán trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ xoay chuyển tình thế mới, xa rời quan điểm khá kiềm chế lâu nay đối với vấn đề Ukraine. Ông Biden vốn lo sợ hành động quân sự của Washington có thể kích động hơn nữa nguy cơ Nga tấn công Ukraine.
Tuy vậy, các cuộc đối thoại giữa giới chức Mỹ và Nga thời gian qua đã không làm xoay chuyển Tổng thống Nga Vladimir Putin. Do đó, giờ đây, Nhà Trắng dường như sẽ từ bỏ chiến lược "không kích động" Moscow.
Theo đó, giới chức cấp cao của Lầu Năm Góc tiết lộ, đã trình Tổng thống Biden các lựa chọn, gồm việc triển khai từ 1.000-5.000 quân đến các nước Đông Âu và con số này có thể tăng lên đến 10.000 nếu tình hình xấu đi.
Việc triển khai binh lính Mỹ đến sườn Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là điều mà Tổng thống Putin mong muốn.
Washington và Liên minh châu Âu (EU) vẫn cảnh báo Nga về những "hậu quả khủng khiếp" nếu Moscow tấn công Kiev, song thừa nhận rằng việc đưa ra những biện pháp cứng rắn là một nhiệm vụ phức tạp.
Mặc dù cho đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào về đòn trừng phạt đối với Nga, song theo một quan chức EU, nếu cần thiết, liên minh này có thể đưa ra những đòn trừng phạt chỉ trong "vài ngày".
Loay hoay xây dựng "mặt trận chung"
Nguy cơ châu Âu bị gạt ra rìa trong cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng gia tăng, do Moscow chỉ muốn ưu tiên đối thoại trực tiếp với Mỹ và NATO.
Điện Kremlin từ chối tiếp tục các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Định dạng Normandy (với Pháp, Đức và Ukraine), lấy lý do Kiev đã “phá hoại” tiến trình.
Về mặt kinh tế, giữa Mỹ và châu Âu cũng có quan điểm và lợi ích rất khác nhau.
Nhà Trắng bị kẹt giữa hai luồng sức ép đối nghịch. Quốc hội Mỹ nghiêng về lựa chọn biện pháp trừng phạt rất khắc nghiệt nếu Nga tấn công Ukraine, ủng hộ tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev.
Còn châu Âu lo ngại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các biện pháp trừng phạt vì doanh nghiệp của họ sẽ không thể tiếp tục giao dịch. Điều này chắc chắn thành hiện thực nếu Nga bị cắt khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
Hơn nữa, các biện pháp kinh tế sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Đến nay, Nga dường như đang cân nhắc cái giá phải trả nếu họ buộc Ukraine từ bỏ vĩnh viễn định hướng ngả về phương Tây cả về quân sự và kinh tế.
Theo chiều hướng này, Moscow có thể cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây sẽ là cái giá chấp nhận được, mặc dù hậu quả của nó rất nặng nề.
Về phía Mỹ, các quan chức cũng rất kiệm lời về các cuộc tham vấn với châu Âu. Việc cấm xuất khẩu các hàng hóa tiêu dùng chứa thành tố của Mỹ sang Nga có thể là một biện pháp được tính đến, cùng với việc cấm vận chíp điện tử mà ngành hàng không và công nghiệp quốc phòng của Nga rất cần.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ đáp trả Moscow bằng các biện pháp kinh tế mạnh mẽ, với các đòn trừng phạt mà từ năm 2014 đến nay chưa từng xem xét.
Ukraine lo lắng
Trước bối cảnh hiện tại, Ukraine đang tỏ ra lo lắng. Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko cho biết, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Nga có tấn công Ukraine hay không, mà là cuộc tấn công của Nga sẽ là một “cuộc xâm lược toàn diện” hay ở quy mô nhỏ hơn.
Đại sứ Prystaiko nhấn mạnh, đất nước của ông đã “sẵn sàng chiến đấu” nhưng “không được trang bị tốt” để có thể tiến hành một cuộc xung đột kéo dài với Nga.
Vài giờ sau khi Ngoại trưởng Nga-Mỹ có cuộc thảo luận “thẳng thắn” để cố gắng giảm nguy cơ xảy ra xung đột trên quy mô rộng lớn hơn ở Ukraine, một lô hàng viện trợ của Mỹ đã đến thủ đô Kiev của Ukraine vào ngày 22/1. Lô hàng, trong đó có cả đạn dược, là phần đầu tiên của gói hỗ trợ an ninh trị giá 200 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi tháng 12 năm ngoái.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Anh cảnh báo, một cuộc tấn công của Nga có thể sắp xảy ra và nói London cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine.
Hàng chục binh sĩ Anh đã ở Ukraine kể từ năm 2015 để giúp đào tạo các lực lượng vũ trang của quốc gia Đông Âu và London cũng cam kết giúp tái thiết hải quân Ukraine.
Đầu tuần qua, Anh thông báo đã gửi 2.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine và sẽ cử thêm các quân nhân tới để huấn luyện cho phía Kiev.
Anh cũng cảnh báo về thái độ chưa nhất quán của châu Âu đối với Tổng thống Putin, đồng thời cho rằng phương Tây phải duy trì đoàn kết.
London có ý định tập hợp các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để bàn về các biện pháp trừng phạt Moscow trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Không loại trừ việc đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 nối Nga và Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tượng bị trừng phạt”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Anh Tom Tugendhat nhận định: “Lần đầu tiên trong một thế hệ, chúng ta đang đứng bên bờ vực chiến tranh ở châu Âu, chúng ta phải mạnh mẽ, bởi vì chỉ có vũ lực mới có thể ngăn chặn họ”.
Thời gian qua, các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga lên kế hoạch tấn công Ukraine, trong khi Moscow bác bỏ, cho rằng những điều này là vô căn cứ.