Tranh chấp tại Biển Đông có thể làm các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương điêu đứng. (Nguồn: Thewest) |
Trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 8/12, tác giả David Uren làm việc tại Đại học Sydney đăng một bài nghiên cứu giả định những tác động kinh tế trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang tại các vùng biển Đông Nam Á, theo đó một cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông sẽ buộc hầu hết các chuyến hàng từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi đến châu Á và bờ biển phía Tây của Mỹ phải chuyển lộ trình đi theo hướng qua khu vực phía Nam của Australia.
Ngày 10/12, trang 9news đưa tin, một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu - trị giá 4,8 nghìn tỷ USD trong thương mại quốc tế - đi qua tuyến đường thủy chiến lược này, vốn kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi.
Vận tải đổi hướng, chi phí gia tăng
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng dẫn đến hoạt động vận chuyển toàn cầu phải đổi hướng xung quanh phía Nam Australia, khiến chi phí vận tải gia tăng.
Trung Quốc cùng với Philippines, Việt Nam, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ khác nhau, đối với tuyến đường thủy này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% lãnh thổ trải dài tới 2.000 km từ Trung Quốc đại lục đến Indonesia và Malaysia. Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã xây các đảo nhân tạo trên các bãi đá trong tuyến đường thủy chiến lược và thiết lập căn cứ quân sự trên đó.
Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Australia, đã lên án việc quân sự hóa tuyến đường thương mại có giá trị này.
Suy giảm hai con số
Nghiên cứu trên được mô phỏng dựa trên việc đóng cửa Eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia và tuyến hành lang Đông-Tây giữa Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương qua Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, sẽ không khả thi nếu thay đổi lộ trình vận chuyển qua Eo biển Torres ở phía Bắc Australia vì các rạn san hô và những vùng nước nông khiến các tàu container cỡ lớn rơi vào tình thế nguy hiểm.
Sự đóng băng thương mại tổng thể sẽ tác động đến nền kinh tế Australia, với mức giảm dự kiến từ 1,9-3,1%. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ hứng chịu những đợt giảm tương tự.
Nhưng ảnh hưởng đối với các nền kinh tế khác phụ thuộc vào thương mại quốc tế và thiếu hụt trong chi tiêu nội địa quy mô lớn sẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
Theo ước tính, kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) sẽ suy giảm 1/3, trong khi Singapore sẽ giảm 22%. Kinh tế Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ suy giảm từ 10-15%.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ phải đối mặt với mức suy giảm 0,7% vì nước này có các thị trường nội địa khổng lồ và các cảng bên ngoài khu vực xung đột dự kiến.
Một cuộc xung đột tại Biển Đông cũng sẽ có tác động đáng kể đến một số quốc gia bên ngoài khu vực. Chẳng hạn, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ phải đối mặt với mức giảm 5% và Saudi Arabia là mức giảm 3% do tổn thất thương mại.
Nghiên cứu này xem xét thương mại song phương giữa 51 nền kinh tế chiếm 92% GDP toàn cầu, trong đó có 19 nền kinh tế nằm ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Cũng theo nghiên cứu trên, do chi phí vận chuyển tăng nên giao thương ở 61 cảng sẽ sụt giảm.
Mặc dù về lý thuyết, một số quốc gia có thể thu được lợi nhuận từ việc chuyển hướng vận chuyển ra khỏi khu vực châu Á, nhưng quốc gia duy nhất theo nghiên cứu này không bị ảnh hưởng bởi suy thoái thương mại chính là Ireland.
Về cơ bản, nghiên cứu trên nhấn mạnh sự phụ thuộc của nhiều nền kinh tế trong khu vực vào dòng chảy hàng hóa tự do qua Biển Đông và Eo biển Malacca.
Mặc dù nghiên cứu trên dựa trên mô phỏng giả định nhưng cũng là một hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của tự do hàng hải và ý nghĩa của việc duy trì vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), cũng như sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
| Bế mạc Hội nghị các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển TGVN. Ngày 9/12, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra phiên họp toàn thể và bế mạc Hội ... |
| Chuyển biến trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông TGVN. Tránh hành động đơn phương, tạo niềm tin cho các đồng minh và đối tác là cách Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo ... |
| Quan chức Mỹ, Philippines thảo luận thúc đẩy hợp tác quân sự, duy trì Biển Đông tự do TGVN. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hội đàm với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, thảo luận về Biển Đông. |