Quặng sắt được bốc dỡ tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Việc Trung Quốc đang nỗ lực tìm nguồn cung quặng sắt thay thế Australia đang đặt ra những mối lo ngại lớn về thị trường bất động sản tại xứ sở kangaroo.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mua quặng sắt của nhà cung cấp khác không còn là vấn đề bàn cãi nữa, chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian tới.
Điều này sẽ làm hạ thấp giá nhà, ảnh hưởng tới đồng AUD và đương nhiên giảm nguồn thu ngân sách của Australia.
Tại cuộc họp giao ban hằng tháng cách đây hơn 3 tuần, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc đã khuyến nghị các công ty nội địa tăng cường thăm dò nguồn tài nguyên trong nước, ở nước ngoài và mở rộng nguồn nhập khẩu quặng sắt từ thị trường khác ngoài Australia.
Trong một bài viết mới đây trên The Business, tác giả nhận định, quặng sắt đã giúp Australia giảm thâm hụt ngân sách 50 tỷ USD, là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đầu tháng 5 năm nay, quặng sắt giao ngay trên thị trường thế giới đã đạt mức giá kỷ lục mọi thời đại, 240 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mốc 190 USD/tấn vào thời kỳ đỉnh điểm cách đây 1 thập niên.
Là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất trên thế giới, rõ ràng, Australia đã thu được rất nhiều tiền từ thứ nguyên liệu dùng để sản xuất ra sắt, thép, những mặt hàng vô cùng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào.
Động lực khiến Trung Quốc quyết giảm nhập khẩu
Trả lời Bloomberg, đại diện công ty Tư vấn và Nghiên cứu Năng lượng Wood Mackenzie nói, quặng sắt, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia và hàng xuất khẩu khác như than và rượu vang có thể chịu ảnh hưởng.
Chuyên gia Wood Mackenzie cảnh báo: “Mặc dù sẽ không thể có việc Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với quặng sắt từ Australia, nhưng nhiều hình thức hạn chế, trì hoãn hoặc gia tăng các biện pháp hành chính đối với mặt hàng nhập khẩu này có thể xảy ra”.
Đồng quan điểm trên, quỹ MB và nhà chiến lược cấp cao của MB David Llewellyn-Smith viết trên MacroBusiness hôm 31/5 rằng: Việc Trung Quốc có cắt giảm nhập khẩu quặng sắt của Australia hay không là điều không cần bàn cãi.
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh quyết cắt giảm nhập khẩu quặng sắt từ Australia?
Theo Llewellyn-Smith, có những động lực chính đằng sau việc cắt giảm này.
Đầu tiên, “cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang phân chia thế giới thành “các khối kinh tế tự do và phi tự do”.
Trong đó, Australia đứng về phía Mỹ khiến sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quặng sắt của Canberra là “không thể địch nổi về mặt chiến lược”.
Thứ hai, Trung Quốc đang dần giảm tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tránh những tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc đang mua tới 60% sản lượng quặng sắt xuất khẩu của Australia để phát triển ngành sản xuất thép, phục vụ mục tiêu xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Điều gì sẽ xảy ra với Australia?
Llewellyn-Smith viết: “Số lượng quặng sắt Australia lớn không thể tưởng tượng được sẽ tràn ngập các thị trường khác, những nơi mua lại quặng sắt của Trung Quốc”, giá quặng sắt toàn cầu sẽ giảm.
“Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1 tỷ tấn quặng sắt qua đường biển, trong đó, khoảng 700 triệu tấn đến từ Australia. Tuy nhiên, phần lớn trong số này sẽ được bán phá giá dần dần trên các thị trường khác”, nhà chiến lược cấp cao của Quỹ MB nhận định.
Trong năm nay, Australia sẽ thu về ít nhất 150 tỷ USD từ xuất khẩu quặng sắt. Tuy nhiên, theo Llewellyn-Smith, con số này sẽ gần như bị xóa sổ bởi tác động kép của áp lực giảm giá và giảm khối lượng khai thác.
Theo chuyên gia trên, tổng kim ngạch xuất khẩu quặng sắt của Australia sẽ bị giảm mạnh.
“Tình trạng này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; lạm phát và tiền lương sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều năm; giảm thu ngân sách; cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ sẽ đỏ sàn; lợi tức trái phiếu lao dốc; đồng AUD có thể sẽ sụp đổ”, chuyên gia Llewellyn-Smith cảnh báo.
Và trên hết, giá nhà ở xứ sở kangaroo sẽ giảm, “mất giá hoàn toàn so với thế giới thông qua đồng AUD sụp đổ”.
“Điều đó sẽ kéo dài bao lâu? là một câu hỏi thú vị hơn. Giả sử rằng, AUD có thể tiếp tục giảm mà không gây ra lạm phát thì không có giới hạn rõ ràng ngay lập tức cho câu chuyện này”, chuyên gia nói.
Trung Quốc cảnh báo về 'nỗi đau’ của Australia
Hiện tại, giá quặng sắt tăng vọt khiến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch gặp rủi ro, bởi các công ty và người dân nước này đang hằng ngày phải gánh chịu chi phí cao hơn.
Tờ Global Times cho biết, các công ty đã tăng giá nhiều loại sản phẩm, bao gồm tủ lạnh, máy giặt và xe đạp, với lý do chi phí sản xuất tăng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với báo này rằng, các động thái mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm trấn áp hành động được cho là “đầu cơ và thao túng thị trường” sắp gây ra “làn sóng lạnh trên toàn cầu”.
Cũng theo Global Times, Australia là quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trên của quốc gia châu Á, bởi quặng sắt là “con át chủ bài” trong nền kinh tế nước này.
“Trong số các mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể là quặng sắt xuất khẩu của Australia, vốn đã được hưởng lợi ồ ạt từ mức giá cao ngất trời”, tờ báo nêu.
Theo đó, mặc dù đã cố gắng đa dạng nguồn cung, nhưng trong tương lai gần, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào quặng sắt của Australia.
Tuy nhiên, giá quặng sắt giảm mạnh sẽ đồng nghĩa với việc Australia sụt giảm doanh thu xuất khẩu từ mặt hàng chiến lược này, bên cạnh sự sụt giảm kim ngạch thương mại với Trung Quốc trong các mặt hàng như rượu vang và thủy sản.
Đến nay, giá quặng sắt đã giảm 9,25 USD (11,93 AUD)/tấn kể từ khi Bắc Kinh có hành động mạnh tay hồi đầu tháng 5. Việc này có thể khiến Australia mất khoảng hơn 2 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021.
Nhìn vào thực tế, các nhà phân tích cũng nhận định, trước mắt, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua quặng sắt của Australia, ngay cả khi quan hệ song phương vẫn đang căng thẳng.
Nhưng sự phụ thuộc này sẽ giảm dần theo thời gian nhờ nguồn cung tăng từ các thị trường khác, sử dụng thép tái chế nhiều hơn và nhu cầu thép của nước này giảm bớt.