📞

Căng thẳng Trung Quốc-EU: Tây Ban Nha phát tín hiệu vui, Bắc Kinh 'rủ' châu Âu cùng nhượng bộ

Việt An 16:34 | 12/09/2024
Ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng nước này tìm giải pháp để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại ổn định.
Trung Quốc kêu gọi EU hợp tác giải quyết mâu thuẫn thương mại. (Nguồn: Getty Images)

Trước đó, ngày 11/9, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói các nước thành viên EU và Ủy ban châu Âu (EC) nên cân nhắc lại để tránh một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Mao Ninh cho biết, Bắc Kinh đánh giá cao quan điểm "khách quan và lý trí" của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez về việc EU nên xem xét lại đề xuất áp thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc.

Bà Mao Ninh khẳng định: "Chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp có thể được cả hai bên chấp nhận".

Bắc Kinh bày tỏ hy vọng hai bên sẽ cũng nhượng bộ để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại lành mạnh và ổn định.

Trong một diễn biến liên quan, nguồn tin từ chính phủ Italy cho hay, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào sẽ tới nước này trong tuần tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn hạ nhiệt căng thẳng về xe điện.

Bộ trưởng Vương Văn Đào dự kiến sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani và Bộ trưởng Công nghiệp nước này Adolfo Urso tại Rome.

Italy ban đầu ủng hộ việc đánh thuế trong một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc của các nước thành viên EU vào tháng 7/2024, cùng với Pháp và Tây Ban Nha.

EC, cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU, đang tiến tới đưa ra đề xuất mức thuế cuối cùng tới 35,3% lên xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, ngoài mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%.

Đề xuất trên sẽ được 27 nước thành viên bỏ phiếu. Đề xuất sẽ được thực thi vào cuối tháng 10 tới, nếu đa số, tức 15 nước thành viên chiếm 65% dân số EU, không bỏ phiếu chống.

Đây là một rào cản lớn đối với xe điện của Trung Quốc.

Ngược lại, đe dọa đáp trả của Bắc Kinh đối với thịt lợn và các sản phẩm bơ sữa và rượu mạnh có thể ảnh hưởng tới một số nước EU.

(theo Reuters)