📞

Cánh cửa hạt nhân khép lại với Đức

Hạnh Lê 13:29 | 20/04/2023
Ngày 15/4, Đức đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng trên lãnh thổ, khép lại kỷ nguyên sử dụng năng lượng hạt nhân của nước này.
Khung cảnh bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Isar 2 tại Essenbach, Đức ngày 13/4/2023. (Nguồn: Getty Images)

Trên thực tế, cuộc thảo luận về “nên hay không” sử dụng năng lượng hạt nhân tại Đức bắt đầu từ những năm 1960, khi nước này đưa nhà máy đầu tiên vào hoạt động. Vấn đề ngày càng “nóng” hơn trong hai thập kỷ sau đó, đặc biệt sau thảm họa tại Chernobyl.

Năm 1998, chính phủ của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) và đảng Xanh, hai đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay, đã thông qua việc dần loại bỏ năng lượng hạt nhân trong 20 năm. Theo thỏa thuận chính thức được luật hóa vào năm 2002, Đức cấm xây dựng các nhà máy hạt nhân mới và giới hạn thời gian hoạt động của các cơ sở cũ để từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022.

Sau khi lên nắm quyền năm 2009, đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) dưới thời bà Angela Merkel nỗ lực đẩy lùi giai đoạn chót của thỏa thuận tới năm 2036. Tuy nhiên, sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, bà Merkel đảo ngược quyết sách ban đầu và ấn định đóng cửa các cơ sở điện hạt nhân theo kế hoạch đã vạch ra.

Từ đó tới nay, 14/17 nhà máy điện hạt nhân của Đức lần lượt đóng cửa. Ba cơ sở cuối cùng gồm Isar 2 ở Bavaria, Neckarwestheim tại Stuttgart và Emsland thuộc vùng Lower Saxony dự kiến ngừng hoạt động vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2/2022 đặt ra bài toán mới cho Berlin. Khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng duy trì ba nhà máy điện hạt nhân là bước “cần thiết” để bảo đảm nước này có thể đủ năng lượng qua mùa Đông.

Song giờ đây, dù xung đột chưa kết thúc và bài toán năng lượng còn đó, Berlin vẫn kiên quyết với mục tiêu ban đầu. Điều này dẫn đến sự chỉ trích của phe đối lập và cả đảng Dân chủ tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền. Đồng Chủ tịch đảng FDP Wolfgang Kubicki cho rằng “đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân hiện đại và an toàn nhất thế giới” là “sai lầm nghiêm trọng” và “sẽ gây ra hậu quả lớn đối với kinh tế và sinh thái Đức”.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc đóng cửa ba nhà máy giữa lúc giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung thiếu hụt, nỗ lực của châu Âu để vừa “rũ mình” khỏi năng lượng của Nga, vừa bảo đảm mục tiêu về biến đổi khí hậu là “vô trách nhiệm”.

Giá năng lượng tăng cao và nguồn cung hạn chế dường như cũng tạo ra sự thay đổi căn bản trong dư luận Đức. Năm 2019, 60% người dân ủng hộ loại bỏ điện hạt nhân. Bốn năm sau, gió đã xoay chiều. Theo cuộc thăm dò gần đây, 2/3 người dân Đức phản đối quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân. Trong đó, 43% cho rằng các nhà máy còn lại nên tiếp tục hoạt động và 25% ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy hạt nhân đã đóng cửa.

Tuy nhiên, việc duy trì ba nhà máy năng lượng hạt nhân cuối cùng không đơn giản. Đây sẽ là động thái tốn kém, dù trong những năm gần đây, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm một phần nhỏ trong lưới điện của Đức. Chưa kể đến việc cần lên kế hoạch kỹ lưỡng, kiểm tra an toàn, nâng cấp và đầu tư...

Theo ông Simon Müller, giám đốc Agora Energiewende, một tổ chức nghiên cứu về khí hậu có trụ sở ở Berlin, “quá trình kéo dài hoạt động của các nhà máy hạt nhân “không chỉ đơn giản là giữ cho chúng hoạt động”, bởi đây sẽ là “một quyết định chiến lược cần nhiều thời gian chuẩn bị”. Chuyên gia này đánh giá: “Tại thời điểm này, cánh cửa cơ bản đã đóng lại”.

(theo Foreign Policy)