📞

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc: Bên đổ thêm dầu vào lửa, bên sẵn sàng 'nghênh chiến'

Hải An 14:37 | 27/09/2021
Điều tra hoạt động thương mại, tính ‘món nợ cũ’ theo cam kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, áp thuế bổ sung, vấn đề Afghanistan có thể là những sức ép tiếp theo mà Mỹ sẽ sử dụng trong thương chiến với Trung Quốc.
Hình ảnh cờ của Mỹ và Trung Quốc tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2021 ở Bắc Kinh, ngày 4/9/2021. (Nguồn: Reuters)

Các động thái dồn dập của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc sau khi lên nắm quyền vẫn tiếp tục kế thừa tư duy của người tiền nhiệm Donald Trump: Nhấn mạnh an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chủ yếu nhất của Mỹ.

Nhật báo kinh tế của Đài Loan (Trung Quốc) mới đây có bài phân tích về quan hệ tế giữa hai nước và nguy cơ chiến tranh thương mại vẫn đang hiện hữu.

Mỹ mạnh tay, Trung Quốc chuẩn bị đối đầu lâu dài

Ông Biden dường như vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc như dưới thời ông Trump. Trọng điểm bao gồm tiếp tục áp thuế bổ sung đối với 70% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá khoảng 370 tỷ USD, xem xét nghiêm ngặt thị thực du học sinh Trung Quốc, tiếp tục điều tra gián điệp thương mại Trung Quốc…

Ngoài ra, Mỹ còn phản bác đơn kiện từ ba doanh nghiệp viễn thông lớn của Trung Quốc, tiếp tục thực hiện quyết định yêu cầu hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ được đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Biden còn tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa", bao gồm mở rộng việc kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.

Ngoài các yếu tố kinh tế, ông còn lấy lý do vi phạm nhân quyền để trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc ở Tân Cương, tổng cộng đưa thêm 311 doanh nghiệp Trung Quốc vào “danh sách thực thể”.

Đương kim Tổng thống Mỹ cũng mở rộng phạm vi ngăn chặn nhà đầu tư trong nước “rót” vốn vào các doanh nghiệp Trung Quốc, giảm các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Washington còn cung cấp các khoản trợ cấp, khuyến khích các nhà khai thác viễn thông nhỏ và vừa của Mỹ đẩy nhanh việc thay đổi thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Những động thái mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc hoàn toàn không hề thua kém thời Tổng thống Trump.

Trước đây, ông Trump từng viện dẫn điều khoản 301 nhằm vào việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiến hành trả đũa thuế quan đối với Trung Quốc dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Sau đó, Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dưới sức ép của Washington.

Kết hợp với yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc sửa một số điều luật, như “Luật đầu tư nước ngoài” năm 2019 đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng với nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh cũng không tiếp tục đề cập kế hoạch “Made in China 2025” vốn phải nhận nhiều ác cảm từ Washington.

Tuy nhiên, mặt khác Trung Quốc lại chuẩn bị đối đầu lâu dài với Mỹ. Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, Bắc Kinh nhấn mạnh nắm vững các công nghệ then chốt, thiết lập chuỗi cung ứng có thể tự chủ kiểm soát.

Mặc dù cụm từ “Made in China” đã được ẩn đi, nhưng cường độ hỗ trợ đối với những ngành sản xuất hàm lượng công nghệ cao không sụt giảm.

Những mặt trận mới

Hiện nay, “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc chưa triển khai cụ thể, nhưng chính điều này lại khiến cho Mỹ có phần cảm thấy bất an.

Bởi vì, theo phương thức trước đây với khung kế hoạch tổng thể, các nguồn lực được trung ương và địa phương cung cấp, cộng thêm các hình thức trợ cấp khác nhau, thì "bàn tay" của chính phủ vẫn hiện diện khắp mọi nơi và người bên ngoài khó nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ trong cuộc gặp ở Alaska, Mỹ, tháng 3/2021. (Nguồn: Nikkei Asia)

Trên cơ sở đó, Mỹ chuẩn bị mở một chiến trường khác nhằm vào hành vi mà nước này cho là thương mại không công bằng do chính phủ Trung Quốc trợ cấp, khởi động tiến trình điều tra mới.

Chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ điều tra hoạt động thương mại của Trung Quốc theo điều khoản 301 là để điều chỉnh cấu trúc thuế mang tính trừng phạt hiện nay của Washington đối với Bắc Kinh.

Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm nhận trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc, trong khi có thể hạ mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với các sản phẩm không nhận trợ cấp.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế quan phải thông qua đàm phán và yêu cầu Trung Quốc cũng phải điều chỉnh thuế đối với hàng hóa dịch vụ của Mỹ.

Đặc biệt, bản thân Mỹ cũng không thiếu những khoản trợ cấp đối với các ngành công nghiệp then chốt khi “Đạo luật đổi mới và cạnh tranh Mỹ năm 2021” (USICA) cũng liệt kê nhiều dự án.

Trong thời gian tới, nếu Mỹ sử dụng lý do trợ cấp để trừng phạt có thể sẽ dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc. Khi đó, mức thuế quan mang tính trừng phạt của hai bên áp lên đối phương sẽ không ngừng tăng lên, kéo theo đối đầu kinh tế thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài chưa thể nhìn thấy điểm dừng.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ không quên tính "món nợ cũ". Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I, Trung Quốc cam kết tăng mua tổng cộng 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong năm 2020 và 2021 từ Mỹ.

Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng của năm 2020 chỉ khoảng 60%, và nhiều khả năng không thể đạt được trong năm nay. Làn sóng yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết ngày càng tăng cũng sẽ trở thành một chiến trường khác trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.

Sau khi ông Biden lên nắm quyền, mặc dù các quan chức kinh tế thương mại hai bên có tương tác nhưng vẫn dừng lại ở giai đoạn chỉ trích lẫn nhau. Dù Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua đã tổ chức điện đàm, song ngoại trừ đồng ý phối hợp xử vấn đề biến đổi khí hậu, thì vấn đề trọng tâm là kinh tế thương mại vẫn chưa đạt được đồng thuận.

Hơn nữa, còn có thông tin đồn đoán Trung Quốc từ chối tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước do Mỹ đề xuất. Những thông tin này không hề giúp gì cho việc cải thiện quan hệ song phương

Bên cạnh xung đột leo thang về kinh tế thương mại, vấn đề Afghanistan cũng khiến Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa cách.

Bắc Kinh tuy chưa công nhận chính phủ mới do Taliban thành lập, nhưng Afghanistan vẫn hy vọng Trung Quốc là "điểm tựa" trong thời gian tới, trong khi lại xem Mỹ là đối đầu. Vì vậy, Afghanistan có thể trở thành một trọng điểm khác trong việc tranh giành quyền lực giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khoét sâu đối đầu kinh tế thương mại hai nước. Điều này không những tác động đến cục diện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn dắt.

(theo TTXVN)