Gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác… (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thị trường. Việt Nam cũng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm chủ lực: Gạo, cà phê, trái cây, gỗ, thủy sản…
Nổi bật nhất, thời gian gần đây, mặt hàng gạo của Việt Nam đã chứng tỏ vị thế khi nhu cầu của thị trường tăng kỷ lục và giá luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, phải kể đến mặt hàng trái cây, khi chúng ta có nhiều loại quả xuất khẩu được khách hàng ở các nước rất ưa chuộng, như: Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối…
Hay như rau quả - ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Rau quả Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc..
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác… Đơn cử như mặt hàng cà phê, dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này vẫn còn khá mờ nhạt, gần như không có thương hiệu…
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân sâu xa là do cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không nhiều... Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng.
Theo ông Đặng Phúc Giang thuộc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược công nghiệp phát triển nông thôn, hiện nay, chỉ có 20/124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đạt thương hiệu quốc gia. Số lượng doanh nghiệp có thương hiệu đã ít mà chính sách bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài còn bất cập.
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Quốc Thịnh thì nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu nông sản đối mặt không ít khó khăn, tồn tại. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo. Đa số nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng.
Song song với đó, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định.
Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung cho sản phẩm đó.
"Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cánh cửa tới thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản đang rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới cần tiếp tục được quan tâm một cách thực chất", chuyên gia Nguyễn Quốc Thịnh nhận định.
Mặt hàng gạo của Việt Nam đã chứng tỏ vị thế khi nhu cầu của thị trường tăng kỷ lục và giá luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới. (Nguồn: MK Logistic) |
Cần sự đồng lòng
Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, theo ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Đồng thời, thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương...
Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Nutifood nhận thấy, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế.
Ông nói: "Muốn biết lợi thế, hãy đặt câu hỏi, với khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của Việt Nam như hiện nay, vị trí địa lý như vậy thì loại cây nào, loại con nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn? Đơn cử, nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Australia thì thua chắc nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội".
Phó chủ tịch Nutifood cho rằng, nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất thì có giới hạn. Trong giới hạn đất và nước như vậy, phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cao nhất.
"Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó. Đây là cách mà Ireland đã làm với sữa hay Hàn Quốc xây dựng thương hiệu nhân sâm, thì mới tạo ra những thương hiệu mạnh", ông Trần Bảo Minh nhận định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho rằng, Việt Nam cần chọn lựa 1, 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ ngành để chung tay quảng bá. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay Bộ Công Thương, mà nhiều bộ ngành khác như du lịch, văn hóa... cũng phải vào cuộc.
"Cần có sự đồng lòng của Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân để có được thương hiệu nông sản quốc gia", ông Tùng khẳng định.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực khác của ngành nông nghiệp, tích hợp một số chương trình đã triển khai từ trước đó nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế như: Lúa gạo, thịt, thủy sản, rau quả, mía đường, cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dừa, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm...
Để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đảm bảo các yêu cầu được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản theo Quy chế phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, thị trường, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ… để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước.
Ông Cường tin tưởng rằng: "Vì vậy, Việt Nam cần cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và tôi tin rồi sẽ đến nơi".