Công nghệ mã vạch (QR code) trở nên phổ biến ở Mỹ trong đại dịch Covid-19, như một hình thức hạn chế tiếp xúc để bắt đầu cuộc sống bình thường mới. (Nguồn: Beaconstac) |
Tình hình dịch Covid-19
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 39,94 triệu ca bệnh, trong đó có gần 656.400 ca tử vong. Hiện mỗi ngày, quốc gia này ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tiếp đến là Ấn Độ với gần 32,77 triệu ca mắc, trong đó có xấp xỉ 438.600 ca tử vong. Đứng thứ 3 thế giới là Brazil với hơn 20,75 triệu ca mắc, trong đó có hơn 579.600 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, nơi ghi nhận tổng cộng hơn 84,8 triệu ca nhiễm bệnh với hơn 2,1 triệu người tử vong, việc giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” ở nhiều nước.
Công nghệ mã vạch (QR code) cũng trở nên phổ biến ở các quán ăn, nhà hàng tại Mỹ, nhất là tại các thành phố và bang lớn như New York.
Ở châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/8 cảnh báo, đến tháng 12/2021 có thể sẽ có thêm 236.000 người tử vong do Covid-19, qua đó báo động về tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm chủng đình trệ ở châu lục này.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết, con số dự báo được đưa ra dựa trên số ca tử vong do Covid-19 thực tế tại châu Âu trong 1 tuần qua (tăng 11%). Đến nay, châu Âu ghi nhận gần 1,2 triệu ca tử vong trong tổng số hơn 55,2 triệu người nhiễm bệnh.
Theo ông Kluge, số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 đang gia tăng trở lại tại châu Âu, đặc biệt tại các quốc gia nghèo hơn ở khu vực Balkan, Caucasus và Trung Á, với 33 trong tổng số 53 nước châu Âu thành viên của WHO ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trên 10% trong 2 tuần qua.
Lãnh đạo WHO châu Âu nhấn mạnh, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng trong các nhóm người ưu tiên tại một số quốc gia ở mức thấp.
Đến nay, khoảng 50% dân số châu Âu đã hoàn thành tiêm chủng. Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm chủng tại châu Âu đã giảm 14% do tình trạng thiếu vaccine và nhiều loại vaccine chưa được cấp phép tại nhiều nước.
Tại châu Á
Các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình khống chế sự bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta.
Thái Lan ngày 30/8 ghi nhận thêm 15.972 ca mắc mới Covid-19 cùng 256 ca tử vong. Trong số các ca mới có 280 ca được ghi nhận trong số các tù nhân.
Cùng ngày, Nội các Thái Lan thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 44,3 tỷ Baht (khoảng 1,36 tỷ USD) để chi trả cho những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại 29 tỉnh thuộc diện kiểm soát tối đa, trong đó có thủ đô Bangkok.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia thông báo, tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại nước này đã tăng thêm 218 ca lên 1.752 ca. Trong số hơn 200 ca mới phát hiện có 82 ca tại thủ đô Phnom Penh, số còn lại ghi nhận rải rác ở 22 tỉnh khác.
Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tăng nhanh nhưng Campuchia ngày 30/8 tiếp tục ghi nhận tổng số ca mới ở mức thấp, với 408 ca, trong đó có 11 người tử vong.
Tính đến ngày 30/8, Campuchia có tổng cộng 92.616 ca, trong đó 88.443 người đã khỏi bệnh và 1.892 người tử vong. Hiện Campuchia đã nhận hơn 25 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 qua hình thức viện trợ và hợp đồng mua bán.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết sẽ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch kể từ ngày 31/8-6/9 do thêm nhiều địa phương trên đảo Java ghi nhận tình hình dịch khả quan hơn.
Bên cạnh đó, 610 trong tổng số 10.000 trường học tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại dù vẫn còn quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch do sự lây lan của biến thể Delta.
Theo quy định, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên, thời gian học tối đa 12 tiếng và các trường hoạt động với 50% công suất.
Hiện 91% học sinh từ 12-18 tuổi và 85% giáo viên tại Jakarta đã tiêm phòng đầy đủ. Gần 70% dân số Jakarta đã tiêm vaccine Covid-19.
Tại Lào, đêm 30/8, chính quyền thủ đô Vientiane tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng chống Covid-19, trong đó có lệnh giới nghiêm hằng ngày từ 22h-5h. Đây là lần đầu tiên thủ đô Vientiane áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Giao thông đường bộ tại thủ đô bị cấm trong thời gian giới nghiêm, ngoại trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, xe cấp cứu và xe của Lực lượng phòng chống Covid-19 hoặc các cơ quan chính phủ đang thực thi nhiệm vụ.
Quyết định cũng yêu cầu các trường học và cơ sở giáo dục ở mọi cấp học tại Vientiane phải tạm thời đóng cửa; cấm tích trữ hoặc nâng giá hàng hóa; cấm chia sẻ tin giả hoặc sai lệch gây hoang mang trong xã hội.
Đến nay, Lào ghi nhận 14.816 người mắc Covid-19, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong.
Vaccine và tiêm chủng
Ngày 30/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết, Pháp sẽ ủng hộ Quỹ Mua lại vaccine châu Phi (AVAT) 10 triệu liều vaccine Astra Zeneca và Pfizer Covid-19 trong 3 tháng tới.
Số lượng vaccine trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 (COVAX).
Đến nay, chỉ chưa tới 2% dân số châu Phi được tiêm chủng Covid-19, trong khi con số này ở các nước phát triển là khoảng 60%.
Cùng ngày, công ty dược phẩm SK Bioscience của Hàn Quốc bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với loại vaccine ngừa Covid-19 GBP510 do hãng này phát triển. Đây là ứng cử viên vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên của Hàn Quốc.
Theo công ty SK Bioscience, dữ liệu của các cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu đối với 80 người trưởng thành khỏe mạnh được tiêm hai mũi vaccine GBP510 cho thấy, tất cả tình nguyện viện sau khi tiêm đều có kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2.
Tại Philippines, vaccine ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp V-01 được phát triển và sản xuất tại Trung Quốc đã được cấp phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Vaccine V-01 do Viện Vật lý Y sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và tập đoàn dược phẩm Livzon (LivzonBio) có trụ sở ở tỉnh Quảng Đông đồng phát triển.
Đây là loại vaccine protein tái tổ hợp kết hợp miền liên kết thụ thể (RBD) của kháng nguyên, phần quan trọng nhất của liên kết protein gai của virus SARS-CoV-2 với các thụ thể ACE2 vốn có nhiều trên các tế bào ở người. Quá trình liên kết cho phép virus xâm nhập vào các tế bào của vật chủ và dẫn đến lây nhiễm.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Y tế mua thêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học một cách an toàn. Dự kiến, nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 các loại vào cuối năm nay.
Biến thể mới
Hãng tin Jiji Press dẫn nguồn tin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết, các nhà khoa học của trường này vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha.
Loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8.
Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc Covid-19 do tiếp xúc cộng đồng.
Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng, nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản.
Theo Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.
Nguồn gốc Covid-19
Bloomberg đưa tin, một quan chức y tế cấp cao của Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cản trở cuộc điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19.
Bloomberg dẫn lời ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối chính trị hóa việc điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 hoặc dùng vấn đề này như một công cụ để đổ lỗi.
Theo ông Tăng: “Mỹ nên coi việc truy tìm nguồn gốc virus là một ‘vấn đề khoa học’ và hỗ trợ các nhà khoa học ở các nước khác nhau, những người đang tìm kiếm câu trả lời về việc đại dịch đã bùng phát như thế nào”.
Quan chức này cũng nhắc lại rằng, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ việc truy tìm nguồn gốc virus dựa trên các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, khoa học và hợp tác.