Ảnh minh họa |
Tại sao phải khai thác bauxite?
Tây Nguyên từ trước vốn là địa bàn khó khăn về kinh tế xã hội, đồng bào đã và đang nghèo. Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã cố gắng phát huy tiềm năng to lớn của Tây Nguyên trong nông nghiệp như trồng cà phê, cao su, làm du lịch... nhưng người dân ở đây vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo. Trong khi đó, thiên nhiên lại phú cho Tây Nguyên một nguồn quặng bauxite thuộc hàng nhất nhì thế giới. Theo xếp hạng của Cục địa chất Mỹ năm 2010 về trữ lượng và tài nguyên bauxite, Việt Nam được xếp thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn quặng nguyên khai tương ứng với 2,3 tỷ tấn tinh quặng. Nếu trữ lượng bauxite và tiềm năng này vẫn chỉ nằm trong lòng đất thì người dân Tây Nguyên vẫn không có thêm cơ hội để phát triển, theo kịp các khu vực khác.
Vì vậy, tại một cuộc họp bàn về dự án này vào đầu năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina ở nước ta là đúng đắn và được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. Việt Nam có nguồn tài nguyên bauxite lớn, có tiềm năng để hình thành ngành công nghiệp khai thác, sản xuất alumina lớn. VN vẫn còn là nước nghèo. Việc khai thác lợi thế về khoáng sản bauxite ở khu vực Tây Nguyên để phát triển kinh tế xã hội khu vực này là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ không thể phát triển bằng mọi giá mà dự án phải có hiệu quả, đảm bảo an toàn môi trường.
Ở phạm vi thế giới, người ta đã khai thác hàng trăm năm và đã thu được nhiều thành công. Tại Mỹ, Brazil, Australia, Trung Quốc, Hungary và nhiều nước khác, tại các khu quặng nhiều nhà máy bauxite đã mọc lên, các thành phố và kèm theo đó là sự phát triển mạnh của các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, xây dựng, dịch vụ cũng nở rộ. Trước một số vấn đề môi trường gần đây, nhiều nước phát triển giàu có đã đóng cửa một số dự án khai thác bauxite như Mỹ, Australia, nhưng đại đa số các nước, các mỏ bauxite vẫn tiếp tục được khai thác. Theo số liệu được kiểm chứng, năm 2009, Trung Quốc sản xuất 26 triệu tấn alumina, nhập khẩu 4 triệu tấn; năm 2010 dự kiến sản xuất 27 triệu tấn alumina, nhập khẩu 5 triệu tấn và kế hoạch này không thay đổi.
Với Việt Nam, mỏ bauxite Tây Nguyên đã được phát hiện từ những năm 1980, nhưng điều kiện về kinh tế, công nghệ lúc đó chưa cho phép chúng ta xây dựng. Đầu thế kỉ 21, ngành khoáng sản Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để tiến hành khai thác và đã thành lập hội đồng thẩm định. Theo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam, đến nay Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện dự án này. Để quyết định đầu tư dự án có 3 yếu tố là khả thi về kinh tế, khả thi về kỹ thuật và với Tây Nguyên còn là yếu tố môi trường. Nếu như chúng ta đảm bảo an toàn tuyệt đối 3 yếu tố này thì tại sao lại không làm, đang tiến hành thì tại sao phải dừng, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) đã trả lời như vậy trong cuộc tọa đàm về vấn đề này mới đây. Vấn đề là chúng ta phải áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiến tiến, rút ra bài học từ vụ tràn bùn đỏ ở Hungary và giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để dự án không có sai sót nào.
Bài toán về môi trường
Trước những áp lực dư luận về các biện pháp đảm bảo an toàn và chống các thảm họa môi trường, đại diện Bộ Công thương và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và sau đó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã phải giải trình trước các nhà khoa học và Quốc hội. Bộ trưởng Nguyên khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường do TKV lập và do Bộ chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định“đã làm rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn”.
Ông Nguyên nhấn mạnh, cả khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy lẫn khu chất thải - tức khu bùn đỏ gây lo lắng nhiều nhất - đều theo “các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam và các yêu cầu cân đong, đo đếm mà rất cụ thể là cơ sở khoa học”.
Về phía chủ đầu tư, TKV, ngoài lợi ích kinh tế của Tập đoàn và lợi ích đem lại cho cộng đồng, đã tính toán về an toàn môi trường, chống thấm theo tiêu chuẩn để không bị thấm, động đất tính đến cấp 7 và bây giờ Chính phủ còn yêu cầu phải chịu được cấp 9. Đề phòng vỡ hồ chứa bùn đỏ, TKV chia hồ thành các ngăn để khi sự cố bùn có thể tràn vào ngăn nhỏ. Ngoài ra còn có đập và hồ chứa dự phòng đủ lớn 50 ha, đảm bảo khi hồ chính vỡ, bùn đỏ sẽ không tràn ngay ra bên ngoài mà sẽ đổ vào khu dự trữ này.
Nhưng những giải trình trên đây vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục. Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và trách nhiệm trong dân về việc dừng hay xem xét lại dự án bauxite không phải ít. Trong khi đó, những vấn đề đáng lo ngại về hiệu quả kinh tế, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, những rủi ro phụ thuộc vào thị trường nước ngoài ngày càng nhiều lên. Các nhân sĩ, nhà kinh tế, khoa học đã rất đúng đắn khi đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch trong các dự án kinh tế lớn bởi họ nhìn thấy rất rõ từ bài học Vinashin gần đây.
Ý thức trách nhiệm cao nhất
Năm 1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine bị nổ, hàng nghìn người chết, hàng triệu người bị ảnh hưởng. Thế nhưng, thế giới không đóng cửa các nhà máy đang hoạt động mà vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới. Ở phạm vi nhỏ hơn, hàng chục, hàng trăm mỏ than, vàng trên thế giới bị nổ, sập làm chết rất nhiều người mỗi năm, nhưng người ta vẫn tiếp tục khai thác, xây hầm lò mới. Vấn đề là chúng ta phải nghiên cứu để giảm thiểu cũng như đảm bảo an toàn tối đa trong một số trường hợp chứ không phải đoạn tuyệt với chúng hoặc chờ đến khi nào khoa học kĩ thuật cho phép (mà cũng không biết đến khi nào mới là tuyệt đối). Ở đây đòi hỏi một trách nhiệm rất cao từ Trung ương đến địa phương, từ chủ đầu tư đến những người thợ xây, từ những nhà khoa học đến người dân bình thường trước tài nguyên của đất nước, trước cuộc sống của người dân và trước vận mệnh của dân tộc.
Chúng tôi rất chia sẻ với những người đang tiến hành dự án này rằng nếu dừng thì họ sẽ ăn ngon, ngủ yên, không bị dày vò về trách nhiệm này kia. Nhưng họ vẫn làm bởi vì, theo một vị lãnh đạo dự án: “Chúng tôi ý thức rằng sẽ là thiếu trách nhiệm với đồng bào Tây Nguyên nếu không dũng cảm, quyết đoán tận dụng cơ hội để triển khai dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội và an toàn môi trường, góp phần giúp Tây Nguyên nhanh thoát nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có tội lớn với đất nước nếu không đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường. Và trong sản xuất kinh doanh, thắng lợi chỉ đến với những người biết chớp thời cơ, quyết đoán, dũng cảm nhưng phải có sự tự tin, có cơ sở khoa học tin cậy”.
Tùng Sơn