TIN LIÊN QUAN | |
Danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu” được đề nghị thành tiêu chí xét công nhận “Thương hiệu Quốc gia” | |
Tôn vinh 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia |
Vụ việc như Asanzo, Khaisilk, Seven AM… bị phát hiện hành vi gian dối hầu hết do người tiêu dùng, cơ quan báo chí phát hiện. |
Tôi chưa từng đến một quốc gia nào ở khu vực Bắc Âu trước năm 2018. Nhưng với những gì đọc, nghe, tôi cứ ấp ủ ước mơ được đặt chân đến xứ sở trong những câu chuyện thần tiên của Andersen. Hẳn là xứ sở yên bình và lãng mạn, như câu chuyện về nàng tiên cá...
Rồi đến giữa năm 2018, tôi có cơ hội tới đây tham dự một hội thảo quốc tế. Copenhaghen dịu mát trong những ngày hè. Tôi nghĩ giấc mơ của mình là có thật, về một xứ sở đẫm màu bình yên.
Nhưng rồi, trong ngày cuối cùng rời Copenhaghen tới bến cảng nàng tiên cá, khi tôi đang thong thả sải bước trên sân ga chiều vắng vẻ, bất ngờ một nhóm người tung mình đuổi ngược lại, nhanh đến mức tôi chỉ thấy như có ai đó vừa ném veo một vật gì trước mắt. Tôi quay lại, có ba cảnh sát đang đuổi theo một thanh niên trên đường ray. Và “vật gì” chính là chiếc ví trong đó chứa toàn bộ hộ chiếu, vé máy bay, điện thoại, tiền... của tôi mà thanh niên đó ném lại trong lúc chạy thục mạng.
Lúc này tôi mới biết, kẻ bị truy đuổi chính là tên trộm đã đi theo tôi trong suốt chuyến tàu từ ga trung tâm thành phố. Bị đứng hình vài giây, tôi không biết điều gì xảy ra nếu kẻ gian lấy được cái ví. Một phụ nữ lớn tuổi nắm lấy cánh tay vẫn đang run của tôi, an ủi: “Cô đi cẩn thận nhé, Đan Mạch giờ không còn an toàn như xưa đâu”.
Những gì từng biết, từng nghe về xứ sở thần tiên trong phút chốc tan biến. Có cái gì đó như là sự đổ vỡ, một cái tên, một đặc tính hay một giấc mơ của tôi về xứ sở Bắc Âu vừa bị đánh rơi ở chính ga tàu này? Nơi đây không còn an toàn nữa, lời của người phụ nữ địa phương như một dấu chấm đen. Suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn khác về Copenhangen nói riêng và Bắc Âu nói chung.
Sau này, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, Andersen còn sống sẽ đau buồn lắm, vì vùng đất bình yên trong thế giới cổ tích ông xây nên bị vỡ vụn trong mắt du khách nước ngoài. Vậy đó, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mất hàng chục năm, cho thương hiệu quốc gia thì mất hàng trăm năm. Thương hiệu quốc gia là tất cả thuộc tính bền vững bên trong đó, mà khi nhắc đến một quốc gia, những đặc điểm đó luôn đi kèm. Thương hiệu quốc gia vừa vô hình vừa hiện hữu, nhưng rất dễ tổn thương. Đến mức, ngay cả hành vi nhỏ của mỗi công dân thuộc về quốc gia đó cũng có thể làm tổn hại và suy giảm lòng tin trong cộng đồng quốc tế.
Tổn hại thương hiệu quốc gia có thể lượng hóa bằng chính thiệt hại về kinh tế và đổ vỡ về cấu trúc của nó. Chuyên gia về thương hiệu quốc gia Simon Anholt mô phỏng thương hiệu quốc gia như một hình lục giác với sáu yếu tố đặc trưng: Du lịch, xuất khẩu, quản trị quốc gia, đầu tư, nhập cư và con người. Như vậy, nhìn ra thị trường, có thể thấy hành vi núp bóng thương hiệu Việt Nam như cách mà các doanh nghiệp như Khai Silk, Seven AM, Asanzo... làm ăn gian dối (cắt nhãn hàng Tàu lấy tên thương hiệu Việt) cũng đang làm tổn hại cho thương hiệu Việt Nam. Thiệt hại đó được đo đếm bằng kinh tế, nhưng cũng đặt dấu nghi ngờ lớn cho người tiêu dùng với hàng Việt.
Tệ hơn cả, lại có hàng trăm doanh nghiệp Việt đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản du lịch tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng của đất nước. Đó không chỉ còn là gian lận thương mại, đó là hành động làm tổn thương đến thương hiệu quốc gia. Khi sự núp bóng từ chính bên trong cũng đồng nghĩa với nguy cơ hiểm họa từ bên trong khó có thể đo lường. Không một người Việt Nam nào chấp nhận sự phá hủy ngấm ngầm này. Ai cũng thấm thía nỗ lực để xây dựng lại hình ảnh Việt Nam, là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến trong gần 50 năm qua khó khăn như thế nào. Những hành vi như vậy cần bị xử lý nghiêm minh, cũng như cần xem xét lại cách quản trị của địa phương để xảy ra tình trạng này, để gìn giữ thương hiệu Việt Nam – một đất nước an toàn và ổn định.
Thương hiệu Quốc gia: Nâng tầm thương hiệu Việt Trước khi ghi dấu ấn tại nhiều thị trường quốc tế, những cái tên như Vinamilk Nutifood, Viettel, BIDV, Vietnam Airlines…đã nhiều lần lọt vào ... |
Công nghiệp sáng tạo và bài học xây dựng thương hiệu quốc gia Trong xã hội hiện đại, công nghiệp sáng tạo được xem là một lĩnh vực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc ... |
Thương hiệu quốc gia: Câu chuyện luôn mới Không phải lần đầu nói chuyện về đề tài này, nhưng với nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, việc xây dựng thương hiệu quốc ... |